Với văn chương, tôi muốn được tiếp nhận nó trong một chương trình mở mà ở đó thầy, cô thoả sức sáng tạo trong giảng dạy để dẫn tôi vào một thế giới tưởng tượng phong phú, tôi được buồn, vui, đau khổ và hạnh phúc cùng những phận người trong thế giới nghệ thuật, để từ đó tôi biết yêu thương và chia sẻ tấm lòng cùng những người sống quanh tôi…
Nếu là học trò, tôi muốn môn Tiếng Việt và môn Văn học phải được coi là hai môn học độc lập và do các thầy (cô) được đào tạo chuyên sâu các chuyên ngành này giảng dạy. Bởi vì môn Tiếng Việt, ai cũng phải học để sử dụng tốt ngôn ngữ mẹ đẻ trong giao tiếp hàng ngày thuộc mọi lĩnh vực khác nhau của đời sống. Môn Văn học, ai cũng nên học để bồi dưỡng tình cảm, tâm hồn, trí tuệ và kinh nghiệm sống, giúp cho người học hoàn thiện nhân cách văn hóa và tình cảm thẩm mỹ. Như vậy, hai môn học này hướng đến những mục tiêu khác nhau, cho nên việc gộp lại thành một môn gọi là “Ngữ văn” đã khiến việc dạy và học, ra đề thi đánh giá chất lượng trở nên phức tạp.
Thực tế cho thấy, văn học nghệ thuật đòi hỏi một năng khiếu nhất định trong cảm nhận và sáng tạo. Không phải ai nghe, nói, đọc, viết tốt tiếng Việt cũng là người sáng tác được văn chương và cảm nhận tốt văn chương. Do vậy, nếu là học trò tôi muốn được học tiếng Việt để rèn luyện thuần thục bốn kỹ năng: nghe/ nói/ đọc/ viết. Tôi muốn thầy, cô ở các cấp học rèn luyện cho chúng tôi cách nghe. nói, đọc viết sao cho đúng chuẩn tiếng Việt để thuyết phục được người đọc, người nghe trong các tình huống giao tiếp cụ thể. Lồng ghép việc dạy học tiếng Việt trong Ngữ văn thì chúng tôi sẽ học được kỹ năng gì khi thời lượng cho môn học có hạn? Tôi muốn việc hình thành các kĩ năng như giao tiếp, thuyết trình, tạo lập văn bản,… sẽ là mục tiêu chính của giờ học môn Tiếng Việt. Chúng tôi sẽ được nghe bài đọc mẫu của các loại văn bản khác nhau, sẽ được luyện nói/luyện đọc văn bản theo đặc trưng thể loại, được dạy cách tạo lập các loại văn bản theo phong cách ngôn ngữ,..
Tôi không muốn học tiếng Việt kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” và lại càng không muốn bị nhồi một mớ kiến thức ngữ pháp rắc rối, nhằng nhịt mà cuối cùng không biết để làm gì bởi chúng tôi phần lớn học không phải là để trở thành những nhà nghiên cứu ngôn ngữ.
Với văn chương, tôi muốn được tiếp nhận nó trong một chương trình mở mà ở đó thầy, cô thoả sức sáng tạo trong giảng dạy để dẫn tôi vào một thế giới tưởng tượng phong phú, tôi được buồn, vui, đau khổ và hạnh phúc cùng những phận người trong thế giới nghệ thuật, để từ đó tôi biết yêu thương và chia sẻ tấm lòng cùng những người sống quanh tôi. Khi chọn tác phẩm để thầy/cô sẽ dạy, chúng tôi muốn người làm khung chương trình không lấy tiêu chí gì khác ngoài tiêu chí tác phẩm phải mang chứa tính nhân văn, nhân bản sâu sắc. Tôi muốn được học những tác phẩm văn học đích thực của những nhà văn thực sự tài năng và có nhân cách bởi điều này có sức thuyết phục và cảm hóa rất mạnh đối với chúng tôi. Học văn học để chúng tôi có thêm sự nhạy bén, tinh tế để không trở thành Robot trong thế giới số lạnh lùng, vô cảm. Tôi không muốn trở thành “nhà nghiên cứu” bất đắc dĩ để đánh vật với những bài văn phân tích và bình luận mà chúng tôi cứ phải chép lại một cách máy móc suy nghĩ của các nhà nghiên cứu hoặc ý kiến của các thầy, cô được in trong các tài liệu hướng dẫn “học tốt” (mà thực ra phần nhiều chỉ là để giúp chúng tôi sao chép khi làm bài tập làm văn lấy điểm và khi thi cử) bán lan tràn ngoài hiệu sách (!) Tôi muốn thầy cô là người truyền dạy, chỉ dẫn cho chúng tôi kỹ năng đọc/tiếp nhận những tác phẩm văn chương theo đặc thù của văn chương nghệ thuật. Nếu được thầy/cô trang bị kiến thức lý luận văn học cơ bản nhất, có “chìa khoá” trong tay thì tôi sẽ tự mở bất cứ cánh cửa văn chương nào tôi muốn. Tôi ước mơ được khám phá tác phẩm văn chương như một công trình nghệ thuật chứ không phải học văn chương như…sử học, như đạo đức học, chính trị học…hoặc như một cái gì đó xa lạ với văn chương …Tôi không muốn giờ học văn chương bị biến thành một giờ học mà chúng tôi phải “chịu đựng” nghe thầy/cô nói cho hết giờ và bị nhồi nhét đủ mọi “bài học rút ra” xuất phát từ những điểm nhìn xã hội học dung tục, xa lạ với quy luật đặc thù của tiếp nhận văn chương.
Nếu tôi là học trò tôi mong muốn được nói lên tất cả những suy nghĩ của mình về một tác phẩm văn học mà không bị coi là “nói không đúng ý tác giả” (hoặc không đúng ý thầy, cô). Tôi muốn các thầy cô phải vượt thoát khỏi sự gò bó trong các bước lên lớp, không biến giờ giảng văn thành giờ giáo huấn đạo đức và các vấn đề khác phi văn học, bởi bản thân văn chương đã mang tính tự giáo dục rất sâu sắc và tinh tế. Việc thầy/cô dạy “tích hợp” nhiều vấn đề trong giờ văn có thể sẽ “thủ tiêu” văn chương, làm cho giờ văn trở nên khiên cưỡng, đơn điệu, nhạt nhẽo, xơ cứng. Văn chương không thể là gì khác ngoài việc nó phải luôn được là chính nó thì mới phát huy được chức năng đặc thù của văn chương đối với con người và cuộc sống: nó giúp người đọc hiểu biết sâu sắc về thế giới, về “con người bên trong con người”, giúp con người sống nhân hậu, biết yêu thương, biết căm ghét cái xấu, cái ác, cái thấp hèn để hướng đến những ứng xử mang giá trị nhân văn, góp phần làm cuộc sống ngày càng thêm tốt đẹp.
Nếu tôi là học trò tôi muốn được học Văn học như thế nào? Câu hỏi này thật không dễ tìm câu trả lời… Nhưng tôi biết những thầy/cô, những nhà khoa học đang thực hiện trọng trách đổi mới giáo dục cũng đã và đang hết sức nỗ lực tìm cách làm thế nào để đổi mới dạy học môn Văn học mang lại hiệu quả giáo dục cao nhất. Tôi hy vọng tinh thần đổi mới dạy – học môn Văn học sẽ phải được thức nhận triệt để từ quy luật sáng tạo và tiếp nhận văn học, từ đặc thù chức năng của văn học nghệ thuật thì chúng tôi mới được học những giờ văn đầy ám ảnh, ấn tượng để từ đó tâm hồn chúng tôi được thăng hoa, được chắp thêm đôi cánh diệu kỳ, bay vào bầu trời của tự do sáng tạo, của lòng nhân ái bao dung với con người và cuộc sống. Tôi nghĩ đó cũng là mục tiêu, ý nghĩa quan trọng nhất (nếu không muốn nói là duy nhất) của việc dạy Văn trong nhà trường. Và tôi kỳ vọng điều mong ước của tôi không chỉ là mơ ước…
PGS.TS Cao Thị Hồng
Dẫn theo https://vanvn.vn/la-hoc-tro-toi-muon-hoc-van-nhu-the-nao/?fbclid=IwAR0ayZwGiqa-Xg__rBP_VSIWgvu_PO1faYSQr4BpkSIIUZtOyyg5GsBxvsE