HỌC VĂN HÓA CÁC DTTS VIỆT NAM TỪ TRẢI NGHIỆM VĂN HÓA
Trong khuôn khổ học phần Tổng quan về văn hóa và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số VN, sinh viên lớp Văn hóa các DTTS Việt Nam K22 đã có chuyến thực tế đầy ý nghĩa với đồng bào và khách du lịch tại Hợp tác xã ATK Gió Ngàn ở Bản Búc, xã Đông Thịnh, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên.
(Sinh viên K22 ngành Văn hóa các DTTS Việt Nam cùng khách du lịch tìm hiểu về nghề chè)
Chuyến đi là cơ hội quý giá để các bạn sinh viên không chỉ được học hỏi về văn hóa truyền thống của người Tày mà còn được trải nghiệm trực tiếp về sinh kế, phong tục, tập quán của một cộng đồng dân tộc tại khu vực miền núi phía Bắc.
Hợp tác xã ATK Gió Ngàn được thành lập với mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số với sự phong phú về văn hoá từ những nếp nhà sàn đơn sơ, hoạt động canh tác thường nhật đến văn hoá trang phục, ẩm thực, âm nhạc…đã tạo ra một không gian trải nghiệm du lịch vô cùng độc đáo cho các bạn sinh viên.
Tại ATK Gió Ngàn, sinh viên lớp Văn hoá các DTTS Việt Nam đã được tiếp cận và học hỏi về văn hóa canh tác và trồng trọt, một phần không thể thiếu trong sinh kế của người Tày. Các bạn đã được trải nghiệm cách người Tày chọn đất, chăm sóc cây trồng và duy trì nông nghiệp bền vững. Đông thời hiểu rõ hơn về cách người dân địa phương tận dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế. Bài học này giúp sinh viên kết nối lý thuyết với thực tiễn, đồng thời trau dồi kỹ năng và kiến thức thiết yếu trong việc bảo vệ và phát triển sinh kế địa phương.
(Sinh viên trải nghiệm canh tác nông nghiệp với đồng bào người Tày)
(Sinh viên trải nghiệm văn hoá tinh thần tại địa phương)
Ngoài ra, sinh viên còn được tìm hiểu về văn hóa trang phục của người Tày - một phần di sản văn hóa truyền thống giàu ý nghĩa. Từ màu sắc, chất liệu đến kỹ thuật may vá, mỗi bộ trang phục Tày đều mang theo một câu chuyện về đời sống tinh thần của người dân. Qua đó, các bạn sinh viên có cái nhìn sâu sắc hơn về ý nghĩa văn hóa và phong cách sống của dân tộc Tày, đồng thời tăng cường ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn di sản văn hóa.
Chuyến thực tế tại ATK Gió Ngàn đã mang lại cho sinh viên lớp Văn hoá các DTTS Việt Nam những trải nghiệm quý báu. Qua những trải nghiệm thực tế và bài học về sinh kế, phong tục tập quán không chỉ giúp bổ sung kiến thức cho sinh viên mà còn khơi gợi tình yêu và sự tự hào với văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam. Đây chính là hành trình nuôi dưỡng ý thức về di sản văn hóa và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị độc đáo của cộng đồng dân tộc thiểu số./.
Bài: Thào Thị Xí
Ảnh: Lý Thị Chiên