NCS Cao Duy Trinh – Trưởng khoa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành Ngôn ngữ Anh


NCS Cao Duy Trinh – Trưởng khoa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành Ngôn ngữ Anh.
 
 Ngày 25 tháng 09 năm 2014, tại Phòng 101, nhà A3, Khoa Sau Đại học – Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN, nghiên cứu sinh Cao Duy Trinh – Giảng viên Tiếng Anh –Trưởng khoa đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài “Phân tích diễn ngôn phê phán trong giáo dục: Hình ảnh tư tưởng nào được xây dựng qua ngôn ngữ của một giáo trình dạy Tiếng Anh (American Headway 4, 2005)?”, chuyên ngành Ngôn ngữ Anh tại Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Đại học Quốc gia do GS.TS Nguyễn Hòa hướng dẫn khoa học.
 
Tại buổi báo cáo, nghiên cứu sinh Cao Duy Trinh đã trình bày những kết quả đạt được của đề tài trước Hội đồng khoa học, các thành viên trong hội đồng đều là các GS, PGS, TS có uy tín hàng đầu trong chuyên ngành Ngôn ngữ Anh ở Việt Nam, Hội đồng bao gồm:
 
1. GS Nguyễn Quang (ĐHNN, ĐHQG - Chủ tịch)
 
2. PGS.TS. Tôn Nữ Mỹ Nhật (ĐH Quy Nhơn - Phản biện 1)
 
3. PGS.TS Trần Văn Phước (ĐH Huế - Phản biện 2)
 
4. TS. Hoàng Thị Xuân Hoa (Viện Đảm bảo Chất lượng Giáo dục, ĐHQG HN- Phản biện 3)
 
5. TS. Huỳnh Anh Tuấn (ĐHQG HN)
 
6. TS. Phạm Thị Thanh Thùy (Đại học Kinh tế Quốc dân, Ủy viên 2)
 
7. TS. Ngô Hữu Hoàng (Thư ký Hội đồng).
 
Với một tinh thần làm việc nghiêm túc, khoa học, logic và hiệu quả, kết quả của luận án đã đạt được mục đích mà tác giả muốn hướng tới: Tác giả cho rằng, với tư cách là một thực tiễn xã hội (Fairclough, 2001), ngôn ngữ chứa đựng giá trị và tư tưởng. Các giá trị có thể biểu đạt trong các diễn ngôn và các hình thức thể hiện khác như tranh, ảnh và các công trình nghệ thuật. Khi giá trị được biểu đạt bằng tinh thần và vật chất theo những cách như vậy, chúng tạo ra những hình ảnh biểu tượng của xã hội, gồm cả hình ảnh điển hình, “thần tượng” của xã hội đó. Qua luận án, tác giả đã phác lại hình ảnh của “người nói tiếng Anh tiêu chuẩn”, qua cuốn giáo trình - the American Headway 4 – 2005. 
 
Đề tài được Hội đồng khoa học đánh giá cao về mặt khoa học, có ý nghĩa lớn cả về lý luận và thực tiễn: Dạy một ngôn ngữ không chỉ dạy những quy tắc ngôn ngữ mà còn dạy cả những quy tắc xã hội chi phối ngôn ngữ đó, các giá trị văn hóa, chính trị tiềm ẩn sau nó trong ngữ cảnh mà nó được sử dụng. 
 
Thông thường, khi thiết kế sách giáo khoa, nhà thiết kế phải tính đến kiến thức ngôn ngữ, phương pháp giảng dạy và các kỹ thuật sư phạm phải áp dụng. Các yếu tố khác cần quan tâm là các giá trị và tư tưởng tạo dựng trong bất kỳ một cuốn sách giáo khoa nào, nhất là sách tiếng Anh dùng để dạy thứ tiếng toàn cầu hóa, không thể là gì khác ngoài cuốn sách được cộng đồng người nói kỳ vọng. Sách đó phải chấp nhận được, tương thích và tiêu chuẩn hóa theo người bản địa. Đồng thời, đề tài đề cập đến nhiều vấn đề chính trị xã hội liên quan đến dạy và học tiếng Anh như văn hóa, chính trị và quyền lực; giá trị và tư tưởng; một số giá trị của người Mỹ, giấc mơ Mỹ; tả, hữu và các lập trường chính trị ở Mỹ; tiếng Anh và người nói tiếng Anh bản xứ; tiếng Anh ngày nay và tương lai; lý thuyết phê phán và ngôn ngữ học phê phán; phương pháp giảng dạy phê phán và các khoa học mang nặng giá trị; bản chất chính trị của việc dạy tiếng Anh. Đề tài cũng nêu tổng quan về phân tích diễn ngôn phê phán với nhiều cách tiếp cận khác nhau và sử dụng phân tích diễn ngôn phê phán làm phương pháp luận để thực hiện nghiên cứu.
 
Kết quả của luận án được công bố trên 07 bài báo khoa học chuyên ngành cấp đại học và cấp quốc gia, 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ (được nghiệm thu năm 2012 với kết quả xuất sắc).
 
Với tinh thần làm việc nghiêm túc của NCS cùng sự tận tình giúp đỡ của GS. TS Nguyễn Hòa cũng như cơ sở đào tạo, luận án “Phân tích diễn ngôn phê phán trong giáo dục: Hình ảnh tư tưởng nào được xây dựng qua ngôn ngữ của một giáo trình dạy Tiếng Anh (American Headway 4, 2005)?”, được 
 
Hội đồng chấm luận án tiến sĩ Đại học Quốc gia nghiệm thu. 
 
 Đánh giá về NCS Cao Duy Trinh, cơ sở đào tạo – khoa Sau Đại học – ĐHNN – ĐHQGHN nhận xét: Nghiên cứu sinh Cao Duy Trinh có tinh thần tự giác học tập, tự chủ và độc lập cao trong quá trình nghiên cứu, thực hiện tốt các yêu cầu của giáo viên chỉ đạo, có tinh thần cầu thị, không ngừng nỗ lực vượt qua những khó khăn trong công việc, cuộc sống, tuổi tác và quá trình nghiên cứu để đi tới thành công, là tấm gương về tinh thần không ngừng học và tự học.
 
 Tới dự và chúc mừng NCS Cao Duy Trinh, PGS.TS Nông Quốc Chinh – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học – ĐHTN đại diện cho cơ quan nơi NCS đang công tác gửi lời cảm ơn sâu sắc và những bó hoa tươi thắm tới cơ sở đào tạo đã tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ NCS Cao Duy Trinh hoàn thành tốt luận án của mình. Ngoài ra, còn có đông đảo người thân, bạn bè, đồng nghiệp và học trò của NCS Cao Duy Trinh đến chúc mừng.
 
Sau đâu là một số hình ảnh của Lễ bảo vệ luận án: 
 
NCS Cao Duy Trinh chụp ảnh kỷ niệm với GVHD GS.TS Nguyễn Hòa
PGS.TS Nông Quốc Chinh - Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học tặng hoa cho GS.TS Nguyễn Hòa - đại diện cho cơ sở đào tạo Khoa SĐH - ĐHNN - ĐHQGHN
NCS chụp hình kỷ niệm với Ban Giám hiệu trường Đại học Khoa học
NCS Cao Duy Trinh chụp ảnh kỷ niệm với các giảng viên khoa - ĐHKH
 
NCS Cao Duy Trinh chụp ảnh kỷ niệm với người thân và bạn bè
NCS Cao Duy Trinh chụp ảnh kỷ niệm với người thân và bạn bè đồng nghiệp
NCS Cao Duy Trinh chụp ảnh cùng các cán bộ trẻ
Các cựu sinh viên cũng đến chúc mừng NCS Cao Duy Trinh
 
                                                                                 Tin bài: Phương Nhung 

Bài viết khác