Lớp Cử nhân Văn học K21 tham gia Chương trình “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024”.


Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 và chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày Chính phủ ban hành Nghị định thành lập Đại học Thái Nguyên (04/04/1994 – 04/04/2024), ngày 02/04/2024, sinh viên lớp Cử nhân Văn học K21 - Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa - Trường Đại học Khoa học đã tham gia chương trình “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024” do Trung tâm Số - Đại học Thái Nguyên tổ chức. Đây là hoạt động thiết thực và ý nghĩa với sinh viên toàn Đại học nói chung và sinh viên ngành Văn học nói riêng.

          Tham dự chương trình, có sự hiện diện của: TS. Lê Doãn Hợp nguyên ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Ông Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Hữu Công - Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên; PGS.TS.Trần Nhuận Kiên Giám đốc Trung tâm Số - Đại học Thái Nguyên; Và các đại biểu là lãnh đạo các trường Đại học thành viên thuộc Đại học Thái Nguyên. Đại biểu trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên có sự hiện diện của PGS. TS Phạm Thị Phương Thái - Phó hiệu trưởng và PGS.TS. Phạm Thế Chính - Phó hiệu trưởng. Ngoài ra còn có sự tham gia của đông đảo sinh viên các trường Đại học thuộc Đại học Thái Nguyên. 

           Với những viên năm thứ nhất ngành Văn học, việc được tiếp cận và nâng cao văn hóa đọc là vấn đề luôn được nhà trường, Khoa, Bộ môn và các em sinh viên quan tâm. Hòa trong không khí sôi nổi của chương trình, sinh viên lớp Văn học k21 đã được tham gia và trải nghiệm các hoạt động thiết thực như: Tham quan, trải nghiệm không gian Trung tâm Số và các gian trưng bày, mô hình xếp sách sáng tạo, ý nghĩa; Thi tìm sách, xếp sách đẹp; Trao đổi, mua, bán các sản phẩm sách dưới nhiều hình thức; Tìm hiểu về mô hình thư viện thông minh và hấp dẫn hơn cả là tham dự hoạt động nói chuyện chuyên đề " Sách và văn hóa đọc trong bối cảnh chuyển đổi số", đặc biệt là nội dung tọa đàm " Dạy- học và làm việc trong thời đại 4.0" do TS. Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày.

          Qua cách truyền đạt rõ ràng, khúc triết, hàm súc mà uyên bác, sâu sắc và mẫn tiệp của diễn giả, nội dung trao đổi chuyên đề đã giúp những sinh viên tham dự chương trình rút ra nhiều bài học, kinh nghiệm trong cuộc sống, học tập và làm việc trong bối cảnh hiện đại hóa, số hóa hiện nay. Khoa học công nghệ phát triển từng ngày và cuộc sống không ngừng vận động. Vì vậy, việc tự đọc để tự học cần phải chú tâm hơn để mỗi cá nhân trở thành một bộ khăng khít với cuộc sống. Học trước hết và với mục tiêu là cải thiện đời sống của chính mình. Và theo tự nhiên, đó cũng là cách để đóng góp giá trị cho phát triển xã hội. Muốn vậy cần quan tâm tới việc thực hành "đi để học, nghe để học, hỏi để học, đọc để học và làm để học". Đọc tốt và học tốt sẽ giúp mỗi con người trở thành người hữu ích: tử tế, làm giàu chân chính, làm từ thiện suốt đời, làm hết mình vì những người thân và đem đến những giá trị trong lòng người khác. Đó cũng là đích đến mong ước của nhiều người. Muốn vậy theo diễn giả Lê Doãn Hợp, việc đọc sách hơn lúc nào hết càng cần thiết để mỗi chúng ta thấy rõ hơn giá trị người và phát huy giá trị con người qua những trang sách quý - Người thầy vĩ đại của nhân loại. Việc đọc sách hiệu quả cũng là một dấu hiệu quan trọng để thể hiện sự tiến hóa của nhân loại đó là biết chữ và biết đọc. Đúng như nhà văn Mark Twain đã từng nói: “Một người không đọc sách chẳng hơn gì một kẻ không biết đọc”. Đó cũng là cách làm giàu cho bản thân và mang đến cho cuộc đời những điều tốt đẹp nhất.

          Từ việc tham gia các hoạt động của chương trình, tập thể lớp Văn k21 cũng phát động cuộc thi: "Đẹp cùng với Sách"  nhằm khuyến khích hơn nữa tinh thần yêu sách và làm đẹp tâm hồn mình thông qua việc thu nhận những tri thức từ sách. Cuộc thi đã nhận được hơn 50 bức ảnh và 20 bài viết về chủ đề Đẹp cùng với Sách. Ý nghĩa cuộc thi không chỉ giới hạn qua những bức ảnh và bài viết của các sinh viên mà quan trọng hơn đó là sự thay đổi trong nhận thức, tình cảm và hành động của sinh viên sau khi tiếp xúc với sách. Đó cũng là hoạt động xuyên suốt và được nhấn mạnh trong hoạt động sinh hoạt chuyên đề tháng 4 của lớp.

          Chương trình cũng đã mở ra cho sinh viên cơ hội được tiếp cận với mô hình thư viện thông minh tại Trung tâm Số - Đại học Thái Nguyên với kho dữ liệu sách in và sách, tài liệu số vô cùng đa dạng, tiện ích và hiện đại. Đây cũng là hoạt động ý nghĩa góp phần khích lệ tinh thần học tập, rèn luyện và khơi gợi, nuôi dưỡng những đam mê với sách để trở thành một người viết thông minh, người đọc có văn hóa cho các bạn sinh viên Văn học K21 trong thời đại 4.0.

 Một số hình ảnh sinh viên Văn học K21 tham dự Chương trình “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024”

 Bài và Ảnh: Lớp Cử nhân Văn học K21


Bài viết khác