NGỌC ANH VÀ HÀNH TRÌNH TỪ CÔ SINH VIÊN VĂN KHOA ĐẾN CÔ GIÁO DẠY VĂN NHIỀU TÂM HUYẾT


 

“Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hi sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh vượt qua những ranh giới ấy”. Câu nói của nhà văn Nguyễn Khải đã theo cô học trò nhỏ Bùi Ngọc Anh suốt từ những năm tháng học cấp III ở trường THPT

Đông Triều cho đến khi là cô sinh viên ngành cử nhân Văn học trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên. Nhiều cơ hội đã đến, nhiều sự lựa chọn đã được cân nhắc để cuối cùng Ngọc Anh quyết định gắn bó với nghiệp chèo đò như một mối lương duyên.

Năm 2008, Ngọc Anh thi đỗ đại học chuyên ngành Văn học đúng như nguyện vọng và mơ ước của em. Tôi còn nhớ mãi dáng người mảnh khảnh, nụ cười tươi vui, nhí  nhảnh mà rất duyên dáng của em ngay từ những ngày đầu em “chân ướt chân ráo” từ Quảng Ninh lên Thái Nguyên. Để rồi dáng người ấy, nụ cười ấy sau này xuất hiện rất nhiều trên sân khấu trong các cuộc thi, các chương trình văn nghệ do Khoa và Trường Đại học Khoa học tổ chức. Tôi có may mắn hơn các thầy cô giáo khác là ngoài giờ học trên lớp tôi còn được làm việc với em hai lần. Một lần trong chuyến đưa em cùng các bạn sinh viên Văn K6 đi thực tế chuyên môn 1 tại thôn Chì, Quang Bình, Hà Giang và một lần tôi hướng dẫn em tập giảng trong khóa học Nghiệp vụ sư phạm tại trường. Với tôi, Ngọc Anh là người nhanh nhẹn, hoạt bát, em xử lý tình huống rất nhanh, làm việc khoa học, hiệu quả và luôn biết đặt ra mục tiêu để phấn đấu. Tôi còn quý mến em hơn bởi em là người sống tình cảm, gần gũi, chan hòa với thầy cô và bạn bè. Chúng tôi mỗi khi nói chuyện về các thế hệ sinh viên đã trưởng thành không quên nhắc tới em, cô học trò nhỏ nhiệt tình, năng động, giọng nói truyền cảm và rất dễ thương.

Tháng 7 năm 2012, Ngọc Anh tốt nghiệp đại học chính quy và về công tác tại địa phương với sự lựa chọn đầu tiên là Đài THTH huyện ĐôngTriều. Tháng 12 năm 2012, em bắt đầu giảng dạy ở trường THPT Nguyễn Bình. Còn hiện tại, Ngọc Anh đang là giáo viên trường THCS Đức Chính. Bên cạnh công tác giảng dạy, Ngọc Anh còn đảm nhiệm rất nhiều cương vị khác nhau như: giáo viên chủ nhiệm, bí thư chi đoàn, làm MC, ca sĩ không chuyên trong các chương trình của Trường và địa phương. Gặp lại Ngọc Anh vào đầu năm 2017 chính tại trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên khi em quyết định học nâng cao trình độ chuyên môn từ Cử nhân lên Thạc sĩ, chúng tôi “tay bắt, mặt mừng”, kể cho nhau nghe không hết chuyện về 5 năm xa cách. Ngọc Anh vẫn vậy nhưng mặn mà hơn, vững vàng hơn rất nhiều.

Ngọc Anh chia sẻ: “Em nhớ lắm những ngày đi thực tế chuyên môn tìm hiểu về đời sống của đồng bào dân tộc. Nếu không được học ở trường, em đã không biết thế nào là đi điền dã, là nói tiếng Tày, là học hát Then, là cảm giác nghẹn lòng khi được nhận những bông hoa của núi rừng từ bà con yêu mến, là cơn lũ ồ ạt kéo về và thầy cô nắm chặt nhau làm hành lang đưa chúng em qua suối… Với chúng em, KhoaVăn – XH ( nay là Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa) là một gia đình. Cô Thái, cô Ngân, cô Mai là mẹ, các thầy cô là anh, là chị. Bốn năm học tập tại Khoa, chúng em không chỉ được dạy kiến thức mà còn được dạy kĩ năng sống để rồi sau này về công tác ở các cương vị khác nhau, chúng em luôn tự tin mình có thể hoàn thành tốt mọi công việc được giao. Lựa chọn Khoa Văn – XH, trường Đại học Khoa học để tiếp tục với chương trình đào tạo Thạc sĩ, em như được trở về nhà. Em biết ơn thầy cô rất rất nhiều”.

Hiện tại Ngọc Anh đã có gia đình riêng với một cậu con trai kháu khỉnh và một người chồng cùng làm trong ngành Giáo dục. Với em, hạnh phúc là được học hết sức, sống hết mình và đôi khi phải biết vượt qua những ranh giới để đốt cháy mình cho những đam mê. Quan niệm sống của em khiến tôi thấy trân trọng em rất nhiều. Em là người dám ước mơ và dám thực hiện. Chúc cho em sẽ thành công hơn nữa trên con đường đang rộng mở, thênh thang.

                                                                                      Vân Huyền

 


Bài viết khác