TH.S CAO DUY TRINH – NGƯỜI ANH CẢ THÂN THƯƠNG, NGƯỜI CHẮP NỐI TIẾP ƯỚC MƠ VÀ KHÁT VỌNG CHO TUỔI TRẺ CHÚNG TÔI
Mùa xuân 2013, Khoa tròn 5 tuổi. Một con số khiêm tốn trên bức tường thời gian, một chặng đường ngắn trên hành trình còn rất dài ở phía trước. 5 năm đã làm nên một mái nhà chung mà nền móng là những cán bộ giảng viên trẻ, nhiệt tình và tâm huyết. Trong không khí vui tươi, rộn rã chuẩn bị cho ngày kỷ niệm thành lập Khoa đang tới gần, anh chị em Khoa đang gấp rút những công việc cuối cùng. Trên gương mặt mỗi người, đầy ắp những niềm vui và tự hào. Biết bao khó khăn và vất vả đã đi qua khoảng thời gian ấy. 5 năm nhìn lại, ai cũng cảm thấy dường như mình đã cứng cáp lên cùng với sự trưởng thành của Khoa, ai cũng thấy bồi hồi, xúc động và nặng lòng với mái trường ĐHKH thân thương này.
Một chặng đường 5 năm ghi dấu bao cố gắng không mệt mỏi của Thầy trò trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị mà nhà trường giao phó. Cụ Lão Tử khi xưa đã viết, Thân cây to mấy tầm, sinh từ mầm tý hon. Đài cao chín tầng trời, đắp xây từng sọt đất. Đi ngàn dặm xa khơi, bắt đầu từng bước một. Bao giờ cũng thế, khó khăn nhất là thời điểm “khai sơn phá thạch”; hai chữ “mở đầu” bao giờ cũng tiềm ẩn những gian nan. Nhìn lại những người đã từng gắn bó với Khoa ngay từ những năm tháng đầu tiên ấy, sự đóng góp tâm sức là không hề nhỏ. Nhưng trong sự trưởng thành của Khoa, anh chị em ai cũng hiểu người Thầy, người anh cả của ngôi nhà nhỏ này – người đã gom “từng sọt đất” để làm nền móng, là người đã thiết kế cho từng bước đi đầu tiên của Khoa chính là Ths. Cao Duy Trinh – Bí thư Chi bộ, Trưởng Khoa.
Tôi nhớ khi mình mới được tuyển về công tác tại Khoa năm 2008, ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi lúc đó và cho đến tận bây giờ vẫn không phai nhạt chính là sự gản dị, gần gũi, sự quan tâm rất đỗi chân thành và cực kỳ tình cảm của Thầy dành cho tất cả mọi người trong Khoa. Trong đời sống hiện đại, dưới tác động đa chiều của kinh tế thì trường, khi rất nhiều nơi, nhiều chỗ cái xấu cái tốt đan xen, sự giả dối và tính toán lên ngôi; thì ở đây, trong ngôi trường này, tại “ngôi nhà” tôi vẫn cảm nhận tình cảm sâu sắc mà mọi người dành cho nhau. Tôi xúc động sâu xa và trân quý vô vàn những điều đó. Nó giống như những mạch nước ngầm tươi mát làm dịu đi cái nắng ngày hè gay gắt, xóa tan trong tôi những nghi kỵ về những bon chen của cuộc đời khi bắt đầu bước chân vào cuộc sống. Tôi có rất nhiều dịp được trò chuyện cùng Thầy, được nghe Thầy kể những năm tháng tuổi trẻ vất vả nhưng đẹp đẽ và lãng mạn. Tôi cũng được đọc những trang thơ Thầy viết ở độ tuổi đôi mươi ấy. Tôi cảm nhận được sự nhọc nhằn của cuộc sống mà Thầy đã đi qua, như rất nhiều người cùng thế hệ với Thầy khi đó. Nhưng dường như những câu thơ không oằn mình vì cơm áo gạo tiền, như tiếng thở của một tâm hồn vẫn hát những khúc say mê. Thầy kể sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ngoại Ngữ Hà nội (1985) - nay là Đại học Ngoại Ngữ, ĐHQG Hà Nội, trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước lúc đó, Thầy phải bươn trải rất nhiều việc để kiếm sống. Đến giờ khi nghĩ lại, tôi vẫn không thể tưởng tượng nổi, Thầy mình đã từng phải đi xẻ gỗ, làm vàng, bán muối từ Phổ Yên, Sóc Sơn - Hà Nội sang Bắc Giang rồi lên Sông Hiến - Cao Bằng. Điều lạ lùng, Thầy kể lại với một giọng điệu hết sức bình dị và vui vẻ, như thể đó là chuyện rất thường của đời người; như thể Thầy đã đi qua những năm tháng khó khăn ấy với sự cố gắng và niềm tin trong sáng vào tương lai mà không có một sự hằn học với đời, bất mãn với người. Từ ngạc nhiên đó tôi chợt suy nghĩ về bản thân và một bộ phận giới trẻ hôm nay. Những vất vả không bằng thế hệ cha anh nhưng sự lười nhác, thiếu ý chí, mục tiêu và đổ lỗi cho thời cuộc lại vẫn còn đâu đó. Tôi ao ước mình cũng có thể làm như Thầy, đổ đầy hũ cảm xúc của mình bằng hoa thơm, cỏ ngọt và có thể dùng yêu thương để xóa hết những vết lem vất vả của sóng gió cuộc đời.
Từ năm 1989 đến 1993, Thầy về làm phiên dịch cho công ty Gang thép Thái Nguyên, rồi sau đó là phụ trách công tác xuất nhập khẩu cho công ty liên doanh thép Việt - Sing NatsteelVina (1993-1999). Đây cũng là tháng năm gắn liền với những kỷ niệm tình yêu tươi đẹp với người phụ nữ, người vợ mà Thầy rất đỗi yêu thương – cũng là tấm gương nhà giáo mà rất nhiều thế hệ học trò ngưỡng mộ - PGS.TS Lê Thị Thanh Nhàn. Hai con của Thầy Cô là cháu Anh Trung đã đang học cấp 3, cháu Anh Thơ đã gần 5 tuổi, nhưng nhiều dịp nghe Thầy kể chuyện, tôi cảm nhận ở Thầy dường như không có nhiều sự trôi chảy của thời gian đi qua. Thầy vẫn giữ cho mình những kỷ niệm và cảm xúc đẹp đẽ với đời, với người.
Cuộc sống với rất nhiều ngã rẽ, mối duyên nợ với nghề giáo bắt đầu khi Thầy về giảng dạy tại trường THPT chuyên Thái Nguyên (1999-2008)) – một ngôi trường cấp 3 với bề dày truyền thống và lịch sử của Tỉnh. Đây cũng là khoảng thời gian Cô thường đi công tác tại nước ngoài. Thầy vừa là người cha vừa là người mẹ của đứa con nhỏ, lên lớp với học sinh và chăm chút hơi ấm của gia đình. Thầy kể lại, ngày đó cũng mở mấy lớp dạy ở nhà, chỉ muốn những khoảng trống thời gian được lấp đầy. Người ta thường nói, đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng hình người phụ nữ, nhưng Thầy cũng là bóng hình của Cô. Tình cảm sâu sắc của Thầy Cô, cho đến giờ tôi vẫn không thôi kính trọng và ngưỡng mộ. Càng ngưỡng mộ Cô bao nhiêu, tôi càng kính trọng Thầy bấy nhiêu. Trong bộn bề cuộc sống này, có những sự hy sinh tự nguyện, lặng thầm và hạnh phúc. Có những tình yêu không chỉ qua văn thơ nhạc nhạc họa mà vẫn thấm đẫm trong những câu chuyện đời thường và gần gũi ở những người ngay cạnh chúng ta.
Tháng 3 - 2008, sau khi Thầy tốt nghiệp Cao học Anh văn, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội (khóa 2003-2006), Thầy nhận sự điều động của Đại học Thái Nguyên về trường Đại học Khoa học công tác. Với sự vững vàng về chuyên môn và năng lực công tác đã có, Thầy nhanh chóng được giao quản lý và lãnh đạo Khoa ngay từ lúc mới thành lập. Đó là những ngày tháng hết sức khó khăn, bởi lúc đó 16 cán bộ viên chức chỉ có Thầy là Thạc sỹ, anh chị em đều trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm, lương thấp lại đa số xa quê. Cho đến giờ, tôi vẫn tự hỏi có phải vì chúng tôi đã cùng đi qua những ngày tháng khó khăn nhất đó nên sự đoàn kết, gắn bó chân thành và quý trọng lẫn nhau cho đến hôm nay vẫn còn thắm thiết? Có phải chăng, người anh cả ấy đã thắp lên trong chúng tôi một ngọn lửa “tĩnh”, để giữa gió bão của cuộc đời chúng tôi vẫn viết tiếp những ước mơ và hy vọng cho những thế hệ học trò đi sau? Sự tận tâm của Thầy như truyền nhiệt huyết cho đội trẻ chúng tôi làm việc và cống hiến. Thầy luôn là tấm gương cho việc học tập và nghiên cứu khoa học. Hiện Thầy đang làm nghiên cứu sinh tại trường Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tháng 6-2012, Thầy đã được nghiệm thu xuất sắc đề tài NCKH cấp Bộ ngành Tiếng Anh đầu tiên của ĐHTN. Là một người sống tình cảm nhưng Thầy hết sức nghiêm túc và đòi hỏi cao trong công việc; và cũng có nhiều những áp lực buộc mọi người phải cố gắng để hoàn thành. Nhiều lúc căng thẳng và mệt mỏi, nhưng sau đó dường như mọi thứ trở nên trôi trảy và có nề nếp hơn. Từ sâu thẳm trong tôi nghĩ rằng, khi còn trẻ khó tránh khỏi những bốc đồng và khờ dại; thường nuông chiều bản thân và không thích những quy tắc ràng buộc. Nhưng nếu cứ như thế sẽ chẳng khác gì chú ngựa hoang, mạnh mẽ đó nhưng giữa đại ngàn vẫn thấy mình nhỏ bé và hoang hoải. Sự nghiêm khắc của Thầy là sự uốn nắn cần thiết để chúng tôi biết mình đang ở đâu, mình là ai và cần phải làm gì. Một Khoa quản lý 4 bộ môn, so với các Khoa và Bộ môn khác trong trường thành tựu còn khiêm tốn, truyền thống và bề dày lịch sử chưa có. Nhưng nhìn lại những gì đã làm được, mọi người đều có thể mỉm cười là mình đã sống hết mình trong những ngày tháng đã đi qua. Hôm rồi, khi vào kho ảnh của Khoa, tìm những bức ảnh để xâu chuỗi các sự kiện suốt 5 năm qua, làm trình chiếu cho ngày Kỷ niệm, tôi giật mình vì những đổi thay qua từng khuôn hình ấy. Thời gian giống như được điều khiển bởi một bàn tay vô hình nhưng lại phủ lên tạo vật và con người những dấu vết mà nó chảy trôi qua. Mỗi năm một tuổi, anh chị em trong Khoa ngày một chững chạc hơn, những lo toan của đời người vương vất trên từng khuôn mặt. Đặc biệt, tôi giật mình với mái tóc Thầy đã điểm bạc nhiều hơn; ánh mắt cũng đượm nhiều hơn những ưu tư. Có những điều thật lạ, khi hàng ngày gặp nhau ta không nhận ra sự đổi khác của mọi người, nhưng khi ngắm nhìn lại những khoảnh khắc trong khung ảnh chụp lại ấy mới thấy chúng giống như những lớp cắt của thời gian. 5 năm rồi, có lúc nào Thầy đã thôi trăn trở về sự phát triển của Khoa và đội ngũ cán bộ giảng viên đâu; lúc nào cũng sốt sắng với những công việc dù là nhỏ; lúc nào cũng lo lắng anh chị em sống như thế nào với đồng lương ít ỏi, rồi học hành, con cái. Các đồng nghiệp và nhiều sinh viên chuyên ngành lẫn không chuyên ngành khi được hỏi về Thầy, họ đều nói Thầy là người sống rất tình cảm, dễ gần và giản dị. Trong những sự bộc bạch ấy, tôi không thấy có sự màu mè hay giả tạo; chợt nghĩ rằng, trong cuộc đời này đáng trân quý hơn cả không phải là tình người đó sao? Nếu tri thức khai trí thì tình người sẽ là sự khai tâm. Có trí tuệ và tâm hồn cao đẹp, đó chẳng phải là hướng đích trong sự nghiệp trồng người của chúng ta hay sao?
Những ngày cuối cùng cùng của mùa xuân sắp nói lời tạm biệt, những đóa bách hợp trắng đã bung nở ở nhiều góc phố báo hiệu tháng 4 về. Những áng mây xanh và nắng vàng óng ả như hũ mật mà bác gấu hậu đậu nào đó đã đánh đổ, làm lênh láng khắp mọi nơi. Ngày sinh nhật Khoa đang tới gần, ai cũng muốn gửi gắm nhiều tâm sự với nơi mình đã gắn bó và trưởng thành; ai cũng muốn gửi lời tri ân sâu sắc đến người anh cả - Cao Duy Trinh – người đã kiến tạo một ngôi nhà chung để anh chị em thực sự thấy Khoa như một gia đình; người đã chắp nối tiếp cho những ước mơ và khát vọng, cả trách nhiệm và lý tưởng sống của những người trẻ chúng tôi. Xin cảm ơn Thầy và anh chị em đã cho tôi những tháng năm kỷ niệm vô cùng đẹp đẽ bên những đồng nghiệp thân yêu!
4/2013 , Trịnh Nghĩa