Dạy và học tiếng Anh đang là vấn đề quan tâm hàng đầu không chỉ của riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo mà của toàn xã hội. Trong suốt những năm qua, có rất nhiều những dự án lớn mà Bộ GD&ĐT dành riêng cho việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên tiếng Anh và năng lực tiếng Anh của các giảng viên không giảng dạy tiếng Anh như đề án Ngoại ngữ 2020 hay đề án Đào tạo tiến sỹ nước ngoài 911. Trên tinh thần đó, Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên đã và đang chú trọng rất lớn vào việc nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh thông qua nhiều hình thức khác nhau như tuyển chọn giảng viên tiếng Anh có trình độ đạt cao vào giảng dạy, yêu cầu chuẩn đầu ra tiếng Anh cho sinh viên, giảng viên làm nghiên cứu khoa học và hàng loạt các sinh hoạt chuyên môn khác của giảng viên trong Bộ môn tiếng Anh nhằm chia sẻ, học hỏi và nâng cao hơn nữa năng lực chuyên môn, chất lượng dạy học tiếng Anh cho sinh viên trong nhà trường.
Nằm trong kế hoạch năm học, từ ngày 15 tháng 5 đến ngày mồng 7 tháng 6 năm 2014, bộ môn tiếng Anh tiến hành tổ chức seminar bộ môn với mục đích đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học trong giảng dạy tiếng Anh. Tham gia seminar là toàn bộ các giảng viên tiếng Anh của Bộ môn và một số giảng viên trong các tổ bộ môn khác của Khoa. Seminar được tổ chức liên tục vào sáng thứ 5 hàng tuần. Trình bày tại seminar là các báo cáo khoa học về ngôn ngữ Anh hoặc giảng dạy tiếng Anh, tạo cơ hội cho tất cả các giảng viên tham gia được lắng nghe, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm làm nghiên cứu khoa học nhằm đẩy mạnh hơn nữa chất lượng giảng dạy trong nhà trường.
Mở đầu chương trình seminar là một báo cáo nhanh về luận án Nghiên cứu sinh của thầy Cao Duy Trinh về Phân tích diễn ngôn phê phán trong giáo dục: Hình ảnh tư tưởng nào được xây dựng qua ngôn ngữ của một giáo trình dạy tiếng Anh (American Headway 4, 2005) (Critical discourse analysis in education: What ideological image does an English course-book (American Headway 4, 2005) create through its language?). Luận án đề cập đến các giá trị văn hóa-chính trị thông qua một phân tích diễn ngôn phê phán mà các công trình phân tích diễn ngôn phê phán đi trước khác thường bỏ hoặc lướt qua. Luận án sử dụng sáng tạo phân tích diễn ngôn phê phán (xử lý hình ảnh không thông qua phân tích trực tiếp mà qua các giá trị văn hóa, chính trị: giá trị văn hóa được coi là nền tảng xã hội nhưng giá trị chính trị (tư tưởng) lại định đoạt xã hội thông qua chính sách, pháp luật, chương trình học vv…; luận án phát hiện ra các giá trị được phản ánh trong các bài học đều được chọn lọc một cách vô tình hay cố ý: chúng đều là những giá trị tích cực – trong thực tế, có nhiều giá trị xã hội tiêu cực nhưng không được đưa vào bài học).
Thầy Cao Duy Trinh báo cáo tại Seminar
Ngoài văn bản viết, luận án có đề cập đến phân tích hình ảnh: đây là một kênh chứa đựng nhiều thông tin của diễn ngôn.Các kết quả của luận án có thể sử dụng trong các giờ học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng, nhất là tiếng Anh Mỹ. Việc phân tích các giá trị văn hóa, chính trị của người Mỹ giúp cho người dạy và người học ngoại ngữ một cách nhìn nhận phê phán tương đối toàn diện đối với sách giáo khoa và chương trình giảng dạy ngoại ngữ trong các nhà trường. Người thiết kế hoặc chọn sách để dạy và học cũng sẽ lưu tâm hơn đến các giá trị và cách nhìn nhận giá trị thông qua những bài học tiếng ở Việt Nam. Đây là một đề tài rất lý thú và thiết thực cả về phương diện lý thuyết và ứng dụng vào giảng dạy.
Tiếp theo là bài báo cáo khoa học không kém phần thú vị và có nhiều “đất” để các giảng viên tiếng Anh ở ĐHKH nói riêng và ĐHTN nói chung có thể “gieo trồng”. Đó là báo cáo của cô Nguyễn Thị Quế với chủ đề: Nghiên cứu hành động trong giảng dạy tiếng Anh (Action Research in English Language Teaching).
Trong phần trình bày thứ nhất, tác giả đã giới thiệu các khái niệm cơ bản về nghiên cứu hành động, so sánh sự khác biệt giữa nghiên cứu khoa học thông thường với nghiên cứu hành động, nêu bật được tầm quan trọng của nghiên cứu hành động đối với giáo dục nói chung và giảng dạy tiếng Anh nói riêng, và đề xuất các bước thực hiện một dự án nghiên cứu hành động áp dụng trong bối cảnh giảng dạy riêng của trường Đại học Khoa học.
Tiếp theo, cô Quế đã giới thiệu với đồng nghiệp của mình về các dự án và tài liệu hướng dẫn thực hiện mà cô và nhóm chuyên gia tiếng Anh tại Đại học Thái Nguyên đã xây dựng trong vòng hai năm qua trong loạt “Dự án nghiên cứu hành động nhằm phát triển năng lực ngoại ngữ và năng lực giảng dạy tiếng Anh cho học sinh và giáo viên tiếng Anh của 16 tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc”. Do thời lượng có hạn nên tác giả chỉ giới thiệu các đề xuất thực hiện những bước đầu tiên nhằm giúp người tham gia dự án có một định hướng đúng đắn, xác định rõ vấn đề và đưa ra những hướng giải quyết một cách phù hợp, từ đó xây dựng một nền tảng vững chắc để bước đầu thực hiện các dự án nghiên cứu hành động thành công và hiệu quả.
Cô Nguyễn Thị Quế với “Dự án nghiên cứu hành động nhằm phát triển năng lực ngoại ngữ và năng lực giảng dạy tiếng Anh cho học sinh và giáo viên tiếng Anh của 16 tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc”
Báo cáo của cô không chỉ giúp cho các giảng viên có thêm kinh nghiệm để hướng dẫn sinh viên thực hiện các dự án tự học hoặc học theo nhóm để nâng cao năng lực ngoại ngữ mà còn giúp bản thân các giáo viên biết cách tìm ra các giải pháp khắc phục những khó khăn và hạn chế của mình để nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy.
Các giảng viên chăm chú nghiên cứu tài liệu
Buổi seminar đầu kết thúc, để lại cho mỗi người dự những bài học riêng về chuyên môn và giảng dạy. Các giảng viên đều mong đợi đến buổi seminar tiếp theo để học hỏi được nhiều hơn nữa từ đồng nghiệp, làm cho chất lượng NCKH và giảng dạy của bản thân ngày một nâng cao. Đây cũng là tiền đề khoa học của các nghiên cứu sinh tiếng Anh trong tương lai, khi làm nghiên sinh là xu thế độ đòi hỏi tất yếu đối với tất cả các giảng viên đại học.
Bài và ảnh: Nguyễn Thảo (Bộ môn tiếng Anh)