Cuộc thi tranh biện “March of minds” - Sân chơi giải trí và thúc đẩy năng lực sinh viên


Ngày 25/03/2025, cuộc thi tranh biện “March of minds” do CLB Sách và Tri thức của Trường Đại học Khoa học (ĐHKH) cùng CLB Sách và Hành động Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) - Đại học Thái Nguyên đồng tổ chức đã diễn ra thành công tốt đẹp. Đây không chỉ là một sân chơi giải trí đơn thuần mà còn là cơ hội trực tiếp thúc đẩy năng lực phản biện, khả năng tư duy, logic cho tất cả các bạn sinh viên.

Ảnh 1: Đại biểu tham dự, Ban giám khảo.

Chương trình có sự tham dự của TS. Vũ Tuấn Kiên – Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐHKH; ThS. Nguyễn Nhạc – Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐHSP; TS Nguyễn Thị Hoà – Phó Bí thư Đoàn trường, giảng viên (GV) Khoa Lịch sử Trường ĐHSP; TS. Nguyễn Đỗ Hồng Nhung – GV Khoa Tâm lý Giáo dục Trường ĐHSP; ThS. Nguyễn Thị Minh Hiền – GV Khoa Giáo dục Chính trị Trường ĐHSP; ThS. Lê Thị Hiền – Phó Chủ nhiệm CLB Sách và Tri thức Trường ĐHKH; cùng các thầy cô và sự góp mặt đông đảo của sinh viên 2 trường.

Khai mạc cuộc thi, ThS. Nguyễn Nhạc – CT HSV Trường ĐHSP nhấn mạnh: “Cuộc thi là sân chơi trí tuệ, nơi sinh viên được thể hiện năng lực, hiểu biết sâu rộng của bản thân về các lĩnh vực, hiện tượng trong cuộc sống. Đồng thời, đây cũng là cơ hội giúp sinh viên 2 Trường ĐHKH và ĐHSP Thái Nguyên thêm gắn kết và cùng nhau giao lưu, học hỏi”.

Ảnh 2: ThS. Nguyễn Nhạc – CT HSV Trường ĐHSP

Ngay sau khi ThS. Nguyễn Nhạc chính thức khai mạc cuộc thi, 10 đội đã bước vào 2 vòng thi gay cấn. Trong phần thi thứ nhất - phần thi chào hỏi, các đội thi đã cùng nhau giới thiệu về bản thân, về đội thi nhằm nâng cao tinh thần thi đấu nhưng vẫn đảm bảo gắn với chủ đề cuộc thi một cách dí dỏm, sáng tạo. Bằng sự khéo léo, tinh thần năng động, các bạn sinh viên của hai trường đã lồng ghép các yếu tố nghệ thuật vào phần thi của mình như ca hát, diễn kịch, làm thơ,... Nhờ đó, đã làm cho toàn Hội trường C1 phải nóng lên, khán giả tới tham dự không thể rời mắt khỏi sân khấu.

 

Ảnh 3: Đội F3 Văn Vẻ ở phần thi chào hỏi

Phần thi cuối cùng là phần thi tranh biện, 10 đội thi được chia thành 5 lượt thi. Trong mỗi lượt sẽ có hai đội thi bao gồm một đội đồng tình và một đội phản đối. Các đề tài được BTC lựa chọn cho phần thi này đều là những đề tài phổ biến, có tính thời sự cao trong xã hội hiện nay như: Xu hướng chữa lành của giới trẻ, trí tuệ nhân tạo mang lại nhiều lợi ích trong cuộc sống hiện nay, tác động của thiết bị đọc đến thói quen đọc sách, điểm số trong việc đánh giá năng lực học sinh, xu hướng “đu idol” của giới trẻ. Điều đó, giúp sinh viên có thêm những thông tin, hiểu biết về con người cũng như cuộc sống.

Ảnh 4: Đội Ngọn Lửa Hồng ở phần thi tranh biện

Đây cũng là phần thi thể hiện được tài năng, cá tính của tất cả các đội. Mỗi đội đều có những lập luận, dẫn chứng, phản biện sắc bén đưa ra để bảo vệ cho quan điểm của mình.

Ảnh 5: Đội Ánh Dương ở phần thi tranh biện

Cuối chương trình, đại diện ban giám khảo, ThS. Nguyễn Thị Minh Hiền đã bày tỏ sự hài lòng và ấn tượng với tài năng của tất cả 10 đội được thể hiện qua các phần thi. Các đề tài thi tranh biện đều là mong muốn của BTC gửi gắm đến các bạn sinh viên – thế hệ trẻ rằng hãy chú tâm đến các vấn đề cấp bách của xã hội. Tuy nhiên, mọi vấn đề đều phải nhìn theo hai chiều tích cực và tiêu cực, tương ứng với hai đội thi đồng ý và phản đối. Ngoài ra, thông qua sân chơi bổ ích này sinh viên 10 đội thi nói riêng, sinh viên 2 Trường nói chung sẽ cùng nhau đoàn kết, gắn bó, trao đổi học thuật, chia sẻ kiến thức, kĩ năng, trải nghiệm…

Giây phút MC công bố kết quả là phần mong chờ nhất của cuộc thi. Giải Nhất đã thuộc về đội “Thắng không kiêu, bại thì buồn” – Trường ĐHSP, giải Nhì thuộc về đội “Ánh Dương” – Trường ĐHKH, giải Ba thuộc về đội “F3 Văn vẻ” – Trường ĐHSP.

Ảnh 6: Toàn cảnh cuộc thi Tranh biện “March of minds”

Cuộc thi tranh biện “March of minds” không chỉ là một sân chơi trí tuệ mà còn mang lại rất nhiều lợi ích cho sinh viên. Thông qua cuộc thi, sinh viên được rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện, khả năng giao tiếp và thuyết phục, cũng như nâng cao sự tự tin khi trình bày quan điểm của mình. Hơn nữa, tranh biện giúp sinh viên mở rộng kiến thức, phát triển khả năng làm việc nhóm và cải thiện khả năng xử lý thông tin, từ đó trang bị cho họ những kỹ năng quý giá, phục vụ cho công việc và cuộc sống sau này.

(Trần Thư Kỳ - Lớp Văn học K21, Trường Đại học Khoa học – ĐHTN)

 

 


Bài viết khác