Trên diễn đàn văn chương Việt Nam, mỗi nhà văn tự khẳng định một sở trường, một phong cách khác nhau. Kim Lân cả đời đi tìm cảm hứng sáng tác ở “Làng”, “Xóm ngụ cư”… và trở thành nhà văn của nông thôn Việt Nam. Xuân Diệu hiện lên thi đàn với giọng thơ vội vàng, giục giã luôn chạy đua với thời gian. Thạch Lam trong nhóm "Tự lực văn đoàn" lại mang phong cách nhẹ nhàng với những truyện không có cốt, dung dị như một bài thơ trữ tình viết bằng văn xuôi. Nguyễn Tuân lại xuất hiện với phong cách rất lạ. Phong cách ấy được gói gọn trong một chữ “Ngông” và trở nên rõ nét trên văn đàn kể từ năm 1940 khi NXB Tân Dân ấn hành tập truyện “Vang bóng một thời”. Tập truyện bao gồm mười một truyện ngắn, trong đó Nguyễn Tuân tập trung ca ngợi thú chơi tao nhã của nho sĩ cuối mùa. Linh hồn của tập truyện chính là truyện ngắn "Chữ người tử tù" – tác phẩm không chỉ một thời vang bóng mà vang bóng tới tận ngày hôm nay. "Chữ người tử tù" tập trung ca ngợi hai chữ “Thiên lương” trong sáng. Điều đó được thể hiện rõ ràng trong tác phẩm thông qua nhân vật Huấn Cao – một người tử tù tài ba. Với cảnh Huấn Cao cho chữ trong tù ngục, Nguyễn Tuân đã khẳng định là một nhà văn thuộc chủ nghĩa duy mĩ – cả đời phụng sự cái đẹp.
1 . Ý nghĩa nhan đề tác phẩm
Có những người suốt đời lặn lội với văn chương mà chẳng để lại cho đời được một áng văn hay, một bài thơ đẹp. Vì vậy, khi sáng tác được một tác phẩm nghệ thuật, người nghệ sĩ thường băn khoăn trăn trở trong cách đặt nhan đề. Nhan đề của một tác phẩm nghệ thuật thường được hé mở nội dung của nó. Ta bắt gặp trên diễn đàn văn chương nhiều nhan đề đẹp, giàu ý nghĩa như “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố khi ông tập trung mô tả xã hội tăm tối của Việt Nam trước cách mạng tháng Tám:
“Kiếp con người cơm vãi nồi rơi
Biết đâu nẻo đất phương trời mà đi”
Ta cũng bắt gặp nhiều nhan đề được thay đổi bởi NXB hay chính tác giả. Ban đầu “Đôi mắt” của Nam Cao có nhan đề là “Tiên sư anh Tào Tháo”, sau này đổi thành nhan đề vừa ngắn gọn vừa xúc tích – “Đôi mắt” là quan điểm, lập trường, là cách tiếp cận của người nghệ sĩ. Ra đời năm 1948 đúng thời kỳ “Nhận Đường”, Tô Hoài ca ngợi “Đôi mắt” là tuyên ngôn nghệ thuật của các nhà văn cùng trang lứa với nhóm Nam Cao trong buổi đầu theo cách mạng và kháng chiến. “Mảnh trăng cuối rừng” của Nguyễn Minh Châu ban đầu có tên là “Mảnh trăng”, phải đến lần in thứ hai trong tập truyện “Những vùng trời khác nhau”, tác giả mới chắp thêm hai chữ “cuối rừng” và người đọc nhận thấy đây là nhan đề cần có của câu truyện. Nó đẹp như một câu thơ và rất trữ tình: “Mảnh trăng cuối rừng”.
Trở lại tác phẩm "Chữ người tử tù". Truyện ban đầu có tên là “Những dòng chữ cuối cùng”. Nếu đặt nhan đề này thì câu truyện sẽ được hiểu theo nghĩa bi quan của người ngày mai bị chém đầu. Việc cho chữ của Huấn Cao trong tù ngục chẳng khác nào việc để lại một di sẳn của người sắp chết cho người còn sống. Bằng sự nhạy cảm của nghệ thuật, Nguyễn Tuân đã đổi nhan đề “Những dòng chữ cuối cùng” thành "Chữ người tử tù". Với cách đặt nhan đề này Nguyễn Tuân không chỉ dừng lại việc ca ngợi cái tài của người viết chữ mà ông đã lách sâu ngòi bút để ca ngợi cái “Tâm” của người nghệ sĩ. Cái “tâm” đó không chỉ có ở nhân vật Huấn Cao mà nó còn tồn tại ngay trong con người viên quản ngục – người mà Nguyễn Tuân gọi là thanh âm trong trẻo trong một bản nhạc mà nhạc luật hỗn độn, xô bồ. Đại thi hào Nguyễn Du cũng từng khẳng định: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.
"Chữ người tử tù" – chỉ có bốn âm tiết mà còn gợi cho người yêu văn nhiều điều. Nói đến “chữ” là nói đến con người học rộng tài cao, còn “người tử tù” là người phạm tội đang chờ ngày đem ra xử tử. "Chữ người tử tù" hé mở cho bạn đọc nhận thấy nhân vật chính của tác phẩm này là một người tử tù tài ba. Nhân vật ấy được xây dựng trên môt nguyên mẫu có thực là Cao Bá Quát. Người xưa có câu “Thần Siêu thánh Quát” hay “Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán”
2. Tình huống truyện
Đọc truyện ngắn "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân, người đọc bị cuốn hút bởi tình huống truyện đặc sắc. Trong tác phẩm văn xuôi, yếu tố quyết định đến sự thành bại của nó không gì khác là tình huống truyện. Tình huống truyện càng đặc sắc bao nhiêu, câu chuyện càng dễ thành công bấy nhiêu.
Tình huống quyết định là một khoảnh khắc về thời gian, một lát cắt của câu chuyện. Ở đó, toàn bộ hoàn cảnh, mâu thuẫn truyện cũng như tính cách của nhân vật được bộc lộ rõ nét. Tình huống truyện vừa giúp cho nhà văn tổ chức được mạch truyện, tức là kết cấu truyện, vừa giúp nhà văn xây dựng được tính cách của nhân vật một cách chân thực, sống động. Trong tác phẩm văn xuôi, nhân vật là linh hồn của câu truyện. Không phỉa ngẫu nhiên có một nhà phê bình văn học từng khẳng định: “nhân vật trong văn học đôi khi thật hơn con người thật”.
Tình huống truyện "Chữ người tử tù" được diễn ra qua một số cảnh chính sau đây. Đầu tiên, thầy thơ lại và viên quản ngục nhật được tráp quan ở cấp trên phải tiếp nhận một tử tù mà người cầm đầu là Huấn Cao. Kế đó, nhà văn tập trung mô tả một số cảnh phụ như nỗi sợ của quản ngục và thái độ kiêu bạc, bất cần, lạnh lùng, thờ ơ của Huấn Cao. Cuối cùng là cảnh tượng Huấn Cao cho quản ngục chữ ở trong tù ngục. Đó là cảnh tượng “Xưa nay chưa từng có”. Toàn bộ ý nghĩa của câu chuyện được tập trung ở phần cuối của tác phẩm.
2.1. Mâu thuẫn và kịch tính
Với tình huống truyện nói trên, “Chữ người tử tù” giàu kịch tính. Hay nói cách khác, kịch tính của tác phẩm này được khắc họa thông qua tình huống gặp mặt hết sức oái oăm giữa quản ngục và Huấn Cao. Hai con người này nếu xét về mặt xã hội là đối địch với nhau, nhưng nếu xét về nghệ thuật và cái đẹp thì họ là tri ân, tri kỉ của nhau. Một người là đại diện cho bộ máy cai trị của đế chế đương thời thối nát, còn người kia lại cầm đầu một cuộc nổi loạn để chống lại chính cái đế chế ấy. Mặt khác, một người có tài viết chữ đẹp, người kia suốt cuộc đời nhất là từ khi vỡ chữ thánh hiền đều ước mơ có được những dòng chữ của bậc tài hoa ấy. Tình cảnh oái oăm được thể hiện rõ nét nhất là ở chỗ giữa họ phải chọn một trong hai con đường: hoặc là phản bội lại con người xã hội, hoặc phải phản bội lại cái “Tôi” cá nhân của mình – cái “Tôi” phụng sự cái đẹp. Quản ngục muốn làm tròn bổn phận của một viên cai ngục thì buộc phải trà đạp lên tấm long tri ân, tri kỉ của mình. Trái lại nếu quản ngục muốn sống theo cái đạo của người tri ân, tri kỉ thì buộc phải phản bội chức trách của một viên cai ngục. Trong tình cảnh này, thầy quản ngục chỉ có thể lựa chọn một. Sự lựa chọn theo hướng nào đều bộc lộ bản chất của nhân vật, đồng thời thể hiện rõ khuynh hướng của người cầm bút. Là một nhà văn luôn phụng sự hai chữ “ Thiên Lương”, tức là phụng sự cái đẹp, đương nhiên Nguyễn Tuân phải để cho nhân vật của mình từ bỏ chốn quan trường để giữ được đẹp trong tâm hồn mình.
2.2 Giải quyết mâu thuẫn và kịch tính bằng cách cho chữ
Cuối cùng, mâu thuẫn của hai con người đã được tháo gỡ. Mặc dù trong tác phẩm này, Huấn Cao là người coi thường cái chết, coi khinh đồng tiền, không bao giờ có thể dùng tiền bạc, quyền lực để ép Huấn Cao cho chữ. Nguyễn Tuân đã viết về nhân vật của mình như thế này : “ Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết cấu đối bao giờ”. Mặc dù chữ Huấn Cao đẹp nức tiếng cả vùng Sơn này nhưng cả cuộc đời, Huấn Cao mới chỉ cho chữ ba người, đều là chỗ tri âm tri kỷ, đó là hai bộ tứ bình và một bức trung đường. Vì vậy, Huấn Cao là người rất “ Khoảnh “ khi cho chữ.. Hơn nữa ở đây Nguyễn Tuân gọi là “ cảnh cho chữ” chứ không phải là cảnh viết chữ thông thường, bởi lẽ nói đến người cho chữ thì tất phải nói đến người xin chữ. Người cho chữ trong tác phẩm này là Huấn Cao, người xin chữ là viên quản ngục. Mặt khác, nói đến cảnh cho chữ, Nguyễn Tuân muốn đề cao hình ảnh “Chữ”. Đó là giá trị tinh thần, là tài sản thiêng liêng không phải ai cũng có thể hiểu. Mặc dù Huấn Cao không sợ chết, coi thường tiền bạc và quyền thế nhưng Huấn Cao lại trân trọng “Tấm lòng trong thiên hạ” . Sauk hi nghe thầy thơ lại giãi bày mọi tình cảm và việc làm của quản ngục, ông Huấn Cao đã cảm thấy đây là “Một tấm lòng trong thiên hạ” – (…) Nào ta có biết đâu một người như thầy Quản đây mà lại co những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa ta đã phụ mất “Một tấm lòng trong thiên hạ”. Huấn Cao không còn cách nào khác là đem tấm lòng của mình để đối lại tấm lòng, thế là cảnh cho chữ diễn ra trong tù ngục. Nếu như ca ngợi Huấn Cao, nhà văn Nguyễn Tuân tập trung ca ngợi khí phách và tài hoa thì qua cảnh cho chữ này, Nguyễn Tuân lại dồn hết bút lực để ca ngợi hai chữ “Thiện lương”. Nghĩa là nhà văn đã dành mất một vị trí quan trọng trong tác phẩm này cho chữ “Tâm” – vẻ đẹp chân chính của tâm hồn con người. Cho chữ trong hoàn cảnh này không phải là một hành động trả ơn, trả nghĩa của Huấn Cao đối với quản ngục trong những ngày cuối đời của mình ở nhà ngục tỉnh Sơn này. Trái lại, thông qua cảnh cho chữ, Huấn Cao muốn truyền lại nhân cách sống cao đẹp. Không phải ngẫu nhiên mà Huấn Cao lại dành những dòng chữ cuối cùng của cuộc đời mình cho quản ngục. Cũng không phảho chữ ở trong tù ngục trong trường hợp này là cái “Tài” đang được chuyển hóa thành cái “Tâm” , cái “Tài” là phương tiện để truyền tải cài “Tâm”. Với dụng ý nghệ thuật ấy, Nguyễn Tuân xứng đáng là nhà văn “Cả đời phụng sự cái đẹp”.
(Nguồn: Sưu tầm)