Nét tính cách hung bạo và trữ tình của dòng Sông Đà (Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân)


 ĐỀ: Cảm nhận của anh/chị về hai nét tính cách hung bạo và trữ tình của dòng Sông Đà trong đoạn văn sau:
… Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng. Tới cái thác rồi. Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xóa cả một chân trời đá. Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền. Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này. Mặt sông rung tít lên như tuyếc bin thủy điện nơi đáy hầm đập. Mặt sông trắng xóa càng làm bật rõ lên những hòn những tảng mới trông tưởng như nó đứng nó ngồi nó nằm tùy theo sở thích tự động của đá to đá bé. Nhưng hình như Sông Đà đã giao việc cho mỗi hòn. Mới thấy rằng đây là nó bày thạch trận trên sông.


Con sông Đà gợi cảm. Đối với mỗi người, Sông Đà lại gợi một cách. Đã có lần tôi nhìn Sông Đà như một cố nhân. Chuyến ấy ở rừng đi núi cũng đã hơi lâu, đã thấy thèm chố thoáng. Mải bám gót anh liên lạc, quên đi mất là mình sắp đổ ra Sông Đà. Xuống một cái dốc núi, trước mắt thấy loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy. Tôi nhìn cái miếng sáng lóe lên một màu nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”. Bờ sông Đà, bãi Sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên sông Đà. Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng. Đi rừng dài ngày rồi lại bắt ra Sông Đà, đúng thế, nó đằm đằm ấm ấm như gặp lại cố nhân, mặc dầu người cố nhân ấy mình biết là lắm bệnh lắm chứng, chốc dịu dàng đấy, rồi chốc lại bẳn tính và gắt gỏng thác lũ ngay đấy.
(Trích Người lái đò sông Đà, Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục 2015)

 

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

  1. Mở bài: Nguyễn Tuân là một định nghĩa về người nghệ sĩ, là người suốt đời đi tìm cái đẹp. Với niềm khát khao đi tìm những vẻ đẹp phi thường, văn sĩ họ Nguyễn đã tìm đến thể tùy bút như một tất yếu. “Người lái đò sông Đà” là một tùy bút đặc sắc của Nguyễn Tuân, trong tp này, nhà văn không chỉ ca ngợi con người Tây Bắc mà còn phát hiện vẻ đẹp độc đáo của con sông Đà – vừa hùng vĩ hung bạo vừa thơ mộng trữ tình. Vẻ đẹp ấy được tái hiện sống động qua hai đoạn văn sau: … “Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại réo to mãi lên (…) Mới thấy rằng đây là nó bày thạch trận trên sông” và “Con sông Đà gợi cảm  (…) chốc dịu dàng đấy, rồi chốc lại bẳn tính và gắt gỏng thác lũ ngay đấy.

II/ Thân bài

1.Khái quát chung

-Tác giả: Nguyễn Tuân  ngay khi vừa xuất hiện trên văn đàn ngay lập tức đã khẳng định tên tuổi của mình ở một văn phẩm gần như đạt đến sự hoàn thiện và toàn mỹ của một phong cách viết “Vang bóng một thời”. Tài năng của ông còn thể hiện ở một số thể loại khác như truyện ngắn,  phê  bình văn học…Nhưng, vương quốc để NT xây lên tòa tháp nguy nga tráng lệ  chính là tùy bút. Người lái đò sông Đà  là một minh chứng tiêu biểu cho sở trường nghệ thuật ở thể tài tùy bút của nhà văn họ Nguyễn. Ta sẽ gặp trong tp chân dung của một cái tôi tài hoauyên bác mà mỗi con chữ không chỉ là lâu đài chữ nghĩa mà còn là bể thẳm tâm hồn, chở nặng tấm lòng của nhà văn với đất nước, con người. Chính tấm lòng yêu con người, yêu đất nước góp phần làm nên những trang văn thật tài hoa của Nguyễn Tuân.

Tác phẩm: Người lái đò sông Đà rút từ tập “Sông Đà” -1960, gồm 15 tập tùy bút . Tp ra đời trong khí thế phấn khởi hăng say của miền Bắc xây dựng CNXH. Khi mà khắp đất nước vang Tiếng hát con tàu, sục sôi tiếng ca lao động vọng về từ Đoàn thuyền đánh cá. Chính những âm thanh ấy đã thổi bùng lên nhiệt tình cách mạng, giục giã bước chân yêu “xê dịch” với chút lãng tử nghệ sĩ của Nguyễn Tuân tìm về với mảnh đất miền Tây của tổ quốc, để mê say khám phá chất vàng của thiên nhiên và con người nơi đây cũng là gợi về tâm hồn dân tộc đúc lại trong thiên tùy bút này.  Viết về dòng sông địa đầu của tổ quốc, cảm hứng chủ đạo cuả thiên tùy bút này là cảm hứng ngợi ca, khẳng định sự thay đổi của thiên nhiên đất nước trong thời kì đổi mới. Người lái đò sông Đà là một áng văn đẹp được làm nên từ tình yêu đất nước say đắm, thiết tha của một con người muốn dùng văn chương để ca ngợi vẻ đẹp vừa kỳ vĩ, hào hùng, vừa trữ tình, thơ mộng của thiên nhiên.

– Hai đoạn văn dưới đây còn cho thấy công phu lao động khó nhọc cùng sự tài hoa, uyên bác của người nghệ sĩ Nguyễn Tuân trong việc dùng chữ nghĩa để tái tạo những nét đối lập mà thống nhất của thiên nhiên tạo hóa.

2.Nội dung chính:

2.1. Cảm nhận về đoạn 1:  

*Vị trí: Đây là phần đầu của tp, tác giả tập trung khắc họa vẻ hung bạo của Sông Đà qua những vách đá, vực xoáy, luồng chết, đá ghềnh, sóng thác…Đây là đoạn văn thể hiện rõ những cá tính của dòng sông và ngòi bút tài hoa của tác giả khi tập trung miêu tả sinh động những thác nước và đá Sông Đà.

*Cảm nhận:

Luận điểm 1:Âm thanh nước thác, qua đó làm hiện lên vẻ đẹp hùng vĩ dữ  dội của sông Đà: Sông Đà hung bạo ở âm thanh tiếng nước: Nguyễn Tuân như một nhạc trưởng, đang điều khiển một dàn giao hưởng chơi thật hùng tráng bài ca của gió thác xô sóng đá. Ông nhìn con Sông Đà như một người có cá tính, có linh hồn và có cả tâm trạng:

Từ xa “còn xa lắm mới đến cái thác dưới” – khi chưa nhìn mà đã nghe thấy:

+ SĐ với muôn vàn  giọng điệu: ban đầu“nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo…”. Thế rồi bất ngờ âm thanh như được phóng to hết cỡ, các nhạc khí bừng bừng thét lên khúc nhạc của một thiên nhiên đang ở đỉnh điểm của cơn phấn khích mạnh mẽ và man dại: “ rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu, rừng tre nứa như đổ lửa,…đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng”. à Giọng điệu đa dạng, kì bí, không lặp lại của sông Đà trong một khuôn nhạc dữ dội. Mỗi khoảnh khắc lắng tai nghe lại có những thanh âm khác nhau. Tác giả còn tạo liên tưởng như một cuộc đối thoại của con người trong một cuộc chiến đầy áp đảo của thế lực thiên nhiên hoang dã đang áp đảo một đối tượng nhỏ bé nào đó. Nghệ thuật nhân hóa đã khiến thác nước sông Đà thực sự trở thành một sinh thể sống đang giận dữ, gầm gào, đe dọa con người ngay cả khi nó chưa xuất hiện. Hệ thống những từ ngữ miêu tả âm thanh theo những cung bậc tăng dần cả về sắc thái cảm xúc và âm lượng để vừa miêu tả sống động sự đe dọa hung bạo của dòng sông.

+ Phép nhân hóa, so sánh, những câu văn trùng  điệp, liên hoàn, nhịp văn ngắn, tạo giọng văn dồn dập, gấp gáp căng thẳng, những từ ngữ cực tả trạng thái dữ dội gợi ấn tượng hãi hùng rủng rợn về sức hủy diệt khủng khiếp kết hợp với sự liên tưởng vô cùng phong phú, âm thanh của thác nước SĐ  gợi không khí quay cuồng, bỏng rát của một trận động rừng, động đất hay phun trào núi lửa thời tiền sử. Đặc biệt là cách lấy lửa để tả nước, dùng rừng tả sông, lấy hình sắc để vẽ âm thanh, đem những yếu tố vốn tương khắc, giờ lại hòa hợp để tương sinh.   à tạo hiệu quả nghệ thuật bất ngờ cho việc khắc họa hình tượng SĐ. NT quả đã chơi ngông tài hoa bằng ngôn từ – tạo nên những trang văn tuyệt bút về cái đẹp phi thường, mãnh liệt của Đà Giang. Nước thác Sông Đà vừa như một sinh thể có linh hồn sống động, tâm trạng phong phú, tính cách dữ dội vừa như một bản hùng ca tráng liệt của đại ngàn.

Lại gần: khi chạm mặt, thác đã hiện ra trong câu văn ngắn “Tới cái thác rồi” – giống như tiếng reo ngỡ ngàng, thích thú. Sau đó Nguyễn Tuân đã đồng thời tả cả đá và nước thác trong hình ảnh “sóng bọt đã trắng xóa cả một chân trời đá”. Tính từ trắng xóa lặp lại nhiều lần gây ấn tượng về sóng, về gió về bọt nước trào sôi mãnh liệt gợi tả cả làn hơi nước như mờ đi trên mặt sóng, trên một diện rộng mênh mông của mặt sông; cùng với hình ảnh “chân trời đá” câu văn của NT đã làm hiện ra sự hùng vĩ tới choáng ngợp của thác đá sông Đà ngay trong ấn tượng đầu tiên khi gặp mặt. Đá sông Đà cùng với nước, với sóng, gió kết hợp với nhau cùng tấn công uy hiếp  con người.

Luận điểm 2:Vẻ đẹp hùng vĩ dữ dội của sông Đà qua thạch trận bờ sông:
-Sông Đà “bày thạch trận trên sông”. Sông Đà còn lắm mưu nhiều kế bày bao nhiêu mẹo lược và sự nham hiểm để sẵn sàng bóp chết con người. Bằng thủ pháp nhân hóa, người đọc nhận ra từng sắc diện người trong những hình thù đá vô tri. Nguyễn Tuân đã dùng sức mạnh điêu khắc của ngôn từ để thổi hồn vào từng thớ đá bằng sự phối hợp giữa các tri thức của các ngành nghề khác nhau như: võ thuật, quân sự, hội họa, điêu khắc …, kết hợp với thủ pháp nhân hóa, liên tưởng, so sánh, ví von những câu văn dài ngắn, đan xen đầy tính tạo hình, góc cạnh, gân guốc. Những kiến thức liên ngành đa dạng ấy tạo bề dày uyên bác trong vốn tri thức của nhà văn, nâng cho đôi cánh tài hoa bay bổng.
+ Đá SĐ đã bày thạch trận trên sông như một trận đồ bát quái dìm bắt bất cứ con thuyền nào qua đó: những tảng đá ngầm dưới lòng sông luôn chờ chực tiêu diệt người lái đò “Cả một chân trời đá, đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông…mỗi lần có chiếc thuyền nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy, vồ lấy thuyền”. sử dụng thuật ngữ của quân sự, trên cơ sở những quan sát thực tế, Nguyển Tuân đã gợi dậy cái bí ẩn, hiểm ác của đá sông Đà trong sự vĩnh hằng của thiên nhiên khi “ngàn năm vẫn mai phục”, khi dữ dằn, đột ngột hiện ra sau cái dập dềnh của sóng để “nhổm cả dậy, vồ lấy thuyền”.

+ Thạch trận không chỉ hung hãn mà còn bộc lộ bản chất nham hiểm, xảo quyệt: “mặt hòn đá nào cũng ngỗ ngược, nhăn nhúm, méo mó”- Những hòn đá vô tri nhưng qua cái nhìn của NT chúng mang vẻ du côn của thiên nhiên hoang dại hung dữ với trùng vi thạch trận nhằm tước đoạt và hủy diệt đến cùng sự sống của con người: chúng giở mọi thủ đoạn, mưu ma chước quỷ để dẫn dụ, phục kích…như thứ” binh pháp sâu hiểm của thần sông thần đá”.

*Nhận xét: Con sông Đà hung bạo, tàn ác không khác gì “kẻ thù số một của con người”. Nhưng cũng chính từ hình ảnh con sông ấy lại là kẻ tôn vinh tài năng nghệ thuật tài hoa, tài tử và cực kì uyên bác của một ngòi bút số một về thể loại tùy bút

2.2.Cảm nhận về đoạn 2
*Vị trí: 
Đây là phần sau của tp, tác giả tập trung khắc họa vẻ đẹp thơ mộng trữ tình của con sông Tây Bắc qua việc miêu tả nét gợi cảm của sông Đà…Đây là đoạn văn thể hiện rõ những sẻ đẹp riêng biệt của dòng sông và ngòi bút tài hoa của tác giả.

*Cảm nhận: Vẻ đẹp gợi cảm của sông Đà:

– Trong niềm yêu nhớ của Nguyễn Tuân, sông Đà “gợi cảm” như một “cố nhân”. Hai chữ “cố nhân” vừa là hình ảnh nhân hóa dòng sông như một người bạn cũ xa nhớ gần yêu, vừa đưa đến cho dòng sông chút vương vấn, cổ kính, xưa cũ của Đường thi.

– Đoạn văn sau đó tràn ngập những cấu trúc so sánh đặc sắc để miêu tả dòng sông Đà gợi cảm và trước hết là để bộc lộ cảm xúc của con người khi sắp gặp lại dòng sông. Nhìn dòng sông thấy loang loáng như trẻ con chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy” là cái nhìn của một người chưa ra tới cửa rừng, mới chỉ nhìn thấy dòng sông lấp lóa nắng thấp thoáng ẩn hiện giữa những vạt cây mà đã háo hức, bồn chồn, đã vội vàng, khao khát…
-khi liên tưởng mặt sông giống như “cái miếng sáng lóe lên một màu nắng tháng ba Đường thi”, Nguyễn Tuân đã đem đến cho sông Đà vẻ lãng mạn của hoa khói, sự trong sáng rực rỡ của sắc xuân, tỏa ra từ câu thơ vời vợi nhớ nhung được coi là “thiên cổ lệ cú” của Lý Bạch: “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”. Liên tưởng của nhà văn đã làm xao xuyến những tâm hồn chưa hề nguôi nỗi tiếc nuối nhớ nhung với những phong vị Đường thi cổ điển, để rồi nỗi xao xuyến ấy mơ hồ lan tỏa trên dòng sông gợi cảm, khiến sông Đà không chỉ chảy trong không gian, mà như còn tha thiết trong dòng thời gian miên viễn xa xăm của Đường thi. Đây là màu thứ 3 trong sắc nước của Sông Đà: màu nước này nảy sinh trong ý định sáng tạo của chủ thể: “màu nắng tháng 3 Đường thi”-sắc màu không tồn tại trong hội họa mà hiện lên trong cảm hứng thăng hoa của người nghệ sĩ, là sự liên tưởng độc đáo khiến nắng SĐ như ngậm thơ, ngậm họa –màu nước ấy khiến NT muốn đề thơ vào sông nướcà chất lãng tử, nghệ sĩ NT.- Sau đó là một câu văn chỉ nối tiếp các chủ ngữ: “Bờ sông Đà, bãi sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên sông Đà”. Hai chữ “sông Đà” điệp lại cuối mỗi vế câu đẳng lập như nhịp lên niềm say mê phấn khích, như nhân lên những khoảng không gian phóng khoáng của bến bãi Đà giang, tạo cảm giác như nhà văn đang hân hoan ngợp giữa không gian sông Đà mênh mông để rồi say đắm òa vào những không gian ấy, không kịp bình tĩnh quan sát bằng lý trí, để miêu tả bằng những vị ngữ cụ thể, tất cả đều bị cuốn đi, dồn dập, gấp gáp theo nỗi khát khao.
– Cảm xúc gặp lại sông Đà được cụ thể hóa trong những so sánh bất ngờ thú vị: “Chao ôi, trông con sông vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng”. Nắng tuy hữu hình nhưng lại là vô thể, chỉ có thể nhìn mà không thể nắm bắt, “giòn tan” là chính từ thường chỉ đặc điểm sắc thái của những vật thể mỏng manh dễ vỡ. Nắng “giòn tan” là một ẩn dụ đẹp gợi tả cái nắng thật trong, thật sáng, thật mỏng và thật nhẹ; nó vừa mong manh, vừa quý giá, nó tương phản hoàn toàn với cái u ám trĩu nặng của bầu trời những ngày “mưa dầm”, giúp người đọc dễ dàng hình dung cảm giác trìu mến, nâng niu của nhà văn khi gặp lại con sông. Và sự nối lại giấc mơ càng hy hữu hiếm quý bao nhiêu, càng đem lại cảm giác sung sướng, thú vị bấy nhiêu. Nhà văn của những khát khao đã nhiều lần tới sông Đà và bất cứ lúc nào nếu muốn, ông cũng có thể đến với người cố nhân của mình, vậy mà qua so sánh vui như nối lại chiêm bao đứt quãng” có thể thấy cảm giác khi gặp lại dòng sông lần nào cũng tươi mới kỳ diệu như được nối lại một giấc mơ đẹp, lần nào cũng như được tận hưởng niềm vui chưa từng có trong đời, lần nào cũng như lần đầu tiên, cuối cùng và duy nhất.

– Và cuối cùng, trong hình ảnh so sánh về cảm giác gặp lại sông Đà, nó “đằm đằm ấm ấm như gặp lại cố nhân”, sông Đà đã thực sự trở thành người bạn cũ, một tri âm với bao kỷ niệm gắn bó trong quá khứ, bao nhớ thương trong hiện tại, bao chung thủy trong tương lai đến, một cố nhân trái tính mà vẫn có sức hấp dẫn đến lạ kỳ.
*Nhận xét:Nguyễn Tuân say mê miêu tả dòng sông với tất cả sự tinh tế của cảm xúc, và bằng một tình yêu thiết tha thiên nhiên đất nước. Lòng ngưỡng mộ, trân trọng, nâng niu tự hào về một dòng sông, một ngọn thác, một dòng chảy đã tạo nên những trang văn đẹp hiếm có – Nguyễn Tuân xứng đáng là một cây bút tài hoa bậc nhất của nền văn học Việt Nam.

Nhận xét
– Với Nguyễn Tuân con sông Đà không phải là một thực thể vô tri vô giác mà dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân nó được thể hiện với những cá tính rõ nét. Đó là những tính cách độc đáo thể hiện qua sự hùng vĩ và thơ mộng.
+ Đoạn văn 1: là những hình ảnh đó của sông Đà hùng vĩ, bí hiểm hung bạo mà đầy những chông gai, thử thách là hiện thân của thứ kẻ thù luôn thách thức, tấn công và cực kì nguy hiểm với con người.
+ Đoạn văn 2: sông Đà không còn là con sông hung bạo hiểm trở, không còn là những thác nước cheo leo hay những bờ đá dựng đứng đầy hiểm trở mà con sông ở đây hiền hòa, gần gũi, trở thành người bạn thân thiết tri kỉ của con người.
– Cả hai đoạn văn đều thể hiện nét tài hoa của Nguyễn Tuân trong nghệ thuật so sánh, sự độc đáo trong trí tưởng tượng phong phú, mà còn là một biểu hiện tình cảm sâu sắc đối với dòng sông Đà. Những quan sát, suy nghĩ, xúc cảm của ông rất tinh vi nhưng cũng rất chân thật, xuyên suốt cả tác phẩm là lời văn mạnh mẽ, dữ dội và đầy chiều sâu kiến thức lẫn chiều sâu của ngôn ngữ văn chương.

III/ Kết bài
Quan sát Sông Đà dưới các góc độ khác nhau, nhà văn bộc lộ cảm nghĩ, nghe nhìn, quan sát, nghiền ngẫm và sáng tạo của mình, qua “Người lái đò Sông Đà”, người ta luôn bắt gặp những hình ảnh ví von độc đáo, bất ngờ. Hai đoạn văn tiêu biểu của bài kí cho ta cảm giác Nguyễn Tuân muốn đua tài năng viết văn của mình với vẻ đẹp tạo hóa, của thiên nhiên và con người. Chính vì thế mà Sông Đà trong văn chương ông vừa là Sông Đà hiện thực, vừa là Sông Đà nghệ thuật mang tình yêu của Nguyễn Tuân.

 


Bài viết khác