HƯỚNG DẪN
I. MỞ BÀI
II. THÂN BÀI
1. Khái quát
– Hoàn cảnh sáng tác; xuất xứ?
– Khái niệm lãng mạn và bi tráng:
+ Lãng mạn: phát huy cao độ trí tưởng tượng phong phú, đưa con người vượt qua mọi khắc nghiệt của hiện thực để đưa tâm hồn con người vươn tới sự lạc quan, tin tưởng vào tương lai phía trước.
+ Bi tráng: là khái niệm chỉ vẻ đẹp vừa đau thương, vừa hào hùng, hào sảng.
2. Nội dung
2.1. Trước hết, về vẻ đẹp lãng mạn của hình tượng người lính:
a. Thiên nhiên Tây Bắc hiện lên khắc nghiệt, dữ dội: vực sâu, dốc cao, đèo thẳm…nhưng họ lại thấy thiên nhiên ấy hiện lên thật hùng vĩ nên thơ:
“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
Sài Khao rồi Mường Lát hiện lên trong “sương lấp”, “đêm hơi” vừa như thực như mộng. Đèo cao, đường hành quân quanh co trở thành đối tượng để thưởng lãm, thiên nhiên vừa là đối thủ để vượt qua, vừa là để thưởng thức. Các từ láy “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút” kết hợp các điệp từ “dốc”, điệp ngữ “ngàn thước”, phép tương phản “lên cao” – “xuống”… càng làm cho bức tranh thiên nhiên Tây Bắc thêm hùng vĩ, tráng lệ. Có thể hình dung địa hình Tây Bắc toàn dốc núi quanh co, điệp trùng, hết lên cao rồi lại xuống thấp, một bên là dốc đá dựng đứng hiểm trở, một bên là vực sâu hun hút, nhìn xuống hay nhìn lên đều rợn ngợp đến chóng mặt.
Qua dốc cao, vực sâu là mưa rừng: “ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Thiên nhiên nên thơ, trữ tình. Cơn mưa rừng hiếm hoi như trải dài hút tầm mắt tạo nên cảnh tượng “mưa xa khơi” bồng bềnh, ảo mộng. Câu thơ dệt nên bởi những thanh bằng gợi sự yên ả, nhẹ nhàng. Thiên nhiên hoang sơ, nguyên thủy hơn nữa là cảnh một chiều sương:
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
Ở đây, bằng bút pháp chấm phá tinh tế, cảnh thơ như được phủ lên bằng một màn sương huyền thoại, da diết hồn của ngàn lau…giống như một bức họa cổ. Tây Bắc hiện lên như trong cõi mộng. Bến bờ mênh mang hồn lau. Núi rừng có chút buồn hiu quạnh nhưng lại đẹp đến mơ màng. Thấp thoáng sau bóng lau là “dáng người trên độc mộc” mềm mại, uyển chuyển hòa lẫn trong dáng “hoa đong đưa” tạo nên bức tiểu họa Tây Bắc thơ mộng, giàu chất thơ, chất họa.
b.Tâm hồn người lính hào hoa, lãng mạn
– Vượt qua bao gian khổ, hi sinh, mất mát, tâm hồn người lính thăng hoa, bay bổng trong đêm liên hoan văn nghệ đậm tình quân dân:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Không khí lễ hội ngập tràn âm thanh và ánh sáng. Đắm mình trong tiếng nhạc điệu khèn, tâm hồn những anh lính trẻ ngất ngây, mê đắm, ngẩn ngơ, sững sờ khi được cùng hòa mình vào dáng son ngọc ngà của những nàng, những em thiếu nữ xinh đẹp của vùng cao Tây Bắc. Mọi mỏi mệt, mọi gian khổ của đoạn đường đã qua dường như tan biến, chỉ còn lại đây là tâm hồn thăng hoa, bay bổng cùng hồn thơ, tiếng nhạc.
– Trong gian khổ, thiếu thốn, mất mát hi sinh, tâm hồn người lính vẫn lạc quan, vẫn mộng mơ về “Hà Nội dáng kiều thơm”:
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Giấc mộng lớn của những chàng trai năm ấy ra đi là giấc mộng được trả nợ nước thù nhà, mộng lập công, mộng hòa bình. Còn giấc mơ lãng mạn kia là mơ về những cô bạn gái Hà thành duyên dáng, thanh lịch, những dáng Kiều thơm của một thời tuổi trẻ sôi nổi mà trách nhiệm. Chính mộng mơ là yếu tố lãng mạn, là động lực lớn nhất để người lính vững bước quân hành.
2.2 Cùng với cảm hứng lãng mạn, là tinh thần bi tráng rất Tây Tiến:
a. Trong gian khổ, người chiến sĩ Tây Tiến luôn hiên ngang, bất khuất. Trên nền thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ, người lính xuất hiện với tầm vóc bi tráng, phi thường
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Đoàn quân trông thật kì dị: “không mọc tóc”, “quân xanh màu lá”. Đó là nguyên do của những tháng ngày hành quân vất vả vì đói và khát, là dấu ấn của những trận sốt rét ác tính làm tóc rụng không mọc lại được, da dẻ héo úa như tàu lá. Đối lập với ngoại hình ốm yếu là tâm hồn, tinh thần đầy mạnh mẽ, dũng mãnh. Cách nói “không mọc tóc” là để tả cái ngang tàng của người lính, họ vẫn lạc quan, yêu đời, coi thường gian khổ. Ba từ “dữ oai hùm” gợi lên dáng vẻ oai phong lẫm liệt, quắc thước hiên ngang. Qua đó ta thấy người lính Tây Tiến vẫn mạnh mẽ làm chủ tình hình, làm chủ núi rừng, chế ngự mọi khắc nghiệt xung quanh, đạp bằng mọi gian khổ.
b. Họ vượt lên trên hoàn cảnh hi sinh, mất mát, gian khổ bằng lý tưởng sống cao đẹp: “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Hình ảnh những nấm mồ chiến sĩ rải rác nơi rừng hoang biên giới xa xôi đã bị mờ đi trước lí tưởng quên mình vì Tổ quốc của người lính Tây Tiến. Bốn từ “chẳng tiếc đời xanh” vang lên khảng khái, ngang tàng, pha chút ngạo nghễ của những chàng trai đầu trọc da xanh. Họ nguyện hiến dâng thanh xuân mình cho Tổ quốc, lên đường “không vương thê nhi”, “ra đi đầu không ngoảnh lại”. Họ sẵn sàng chiến đấu vì giấc mộng làm trai thời loạn, xem nợ nước là món nợ lớn của kẻ làm trai. Bởi vậy, hình tượng người lính nổi lên giữa gian khổ, hi sinh càng trở nên lẫm liệt, oai hùng.
c. Sự hi sinh của người lính cũng được bao bọc trong một không khí hoành tráng, trang nghiêm mà thanh thản:
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
– Cách nói “áo bào thay chiếu” là cách nói bi tráng hóa, tráng lệ hóa sự hi sinh của người lính. “Anh về đất” là cách nói giảm, nói tránh đi cái chết làm câu thơ bi mà không lụy. Họ ra đi trong âm thanh của dòng sông như một khúc nhạc chiêu hồn tử sĩ thật dữ dội, bi tráng…Con sông Mã, chứng nhân của lịch sử, bạn đồng hành của Tây Tiến, cũng nhỏ dòng lệ cảm thương lay động cả đất trời, đã gầm lên “khúc độc hành” khúc tráng ca bi hùng rực rỡ nét sử thi “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Tiếng gầm ấy là khúc nhạc bi tráng, khúc nhạc thiêng tiễn đưa người lính về với nơi an nghỉ cuối cùng.
Có lúc sự dữ dội của núi rừng cũng vắt kiệt sức người: “Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục lên súng mũ bỏ quên đời”. Cái chết đậm chất bi hùng: Chết trong tư thế đẹp ôm chắc cây súng trong tay sẵn sàng chiến đấu không quên nhiệm vụ của người lính. Chết không rời bỏ đội hình đội ngũ, thân xác bỏ lại chiến trường nhưng tinh thần vẫn theo chân đồng đội tiếp tục cuộc chiến đấu. Hiện thực chiến tranh xưa nay vốn như thế! Sự hy sinh của người chiến sĩ là tất yếu. Xương máu đổ xuống để xây đài tự do. Vần thơ nói đến cái mất mát hy sinh nhưng không chút bi luỵ thảm thương.
3. Đánh giá chung
– Chính cảm hứng lãng mạn đã tạo ra ở Quang Dũng cái nhìn mang tính anh hùng ca trước chân dung tinh thần bi tráng của những người chiến sĩ mang một vẻ đẹp tâm hồn, lý tưởng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
– Cảm hứng lãng mạn và sắc thái bi tráng tạo nên chất sử thi đặc biệt của bài thơ. Bức chân dung người lính hào hoa, dũng cảm trên nền hùng vĩ, tráng lệ được tác giả hướng hồn thơ ngưỡng vọng vào một thế hệ anh hùng của thời đại kháng chiến chống Pháp.
Xem thêm: Tuyên ngôn độc lập
III. KẾT BÀI
Tóm lại, có thể nói hình tượng người lính đã để lại những ấn tượng khó quên cho độc giả bởi hai vẻ đẹp lãng mạn và tinh thần thái bi tráng. Tất cả làm nên một bức tượng đài về những người chiến sĩ gian khổ, đau thương nhưng hào hoa, hào hùng. Bài thơ gieo vào lòng người đọc những tình cảm yêu thương, ngưỡng vọng về một thời gian khổ, hào hùng của dân tộc.
Thầy Phan Danh Hiếu