1. Hướng dẫn chung
Đoạn văn Nghị luận xã hội 200 chữ cần bám sát yêu cầu của đề và dựa trên nội dung/ thông điệp ở phần đọc hiểu. Đề bài có thể trích dẫn hoặc không trích dẫn câu văn trong phần đọc hiểu. Điều quan trọng là các em cần hiểu yêu cầu của đề và xác định hướng đi đúng đắn.
+ Thứ nhất: Phải xác định được Đề bài yêu cầu viết về vấn đề gì? (nội dung của đoạn văn).
Đây là yêu cầu quan trọng nhất, đòi hỏi người viết phải bày tỏ quan điểm cá nhân rõ ràng.
Cụ thể: Người viết hiểu vấn đề đó là gì (giải thích), tại sao lại nói như thế (phân tích).
+ Thứ hai: Cần phải có dẫn chứng thuyết phục bằng các ví dụ cụ thể trong đời sống.
+ Thứ ba: Phải đánh giá và nêu thái độ của người viết trước vấn đề đang bàn luận. Cần nêu ra những bài học nhận thức sau khi bàn luận. Từ đó, đề xuất những giải pháp thiết thực và khả thi cho bản thân mình và tất cả mọi người.
Đối với dạng “đề nổi” , học sinh có thể dễ dàng nhận ra phạm vi nội dung và phương pháp lập luận. Đối với dạng đề chìm, học sinh phải tự mày mò hướng đi. Ví dụ :
+ Đề nổi : Viết 1 đoạn văn 200 chữ về sự hi sinh thầm lặng của mẹ trong cuộc sống ngày hôm nay ( đề nổi) . Học sinh dễ dàng xác định phạm vi nội dung : Thế nào là sự hi sinh thầm lặng ? biểu hiện của sự hi sinh thầm lặng ? tác dụng ? phê phán những người con bất hiếu, bài học rút ra cho bản thân, …
+ Đề chìm : Viết 1 đoạn văn 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh chị về ý nghĩa câu chuyện được trích dẫn ở phần đọc hiểu .
Về hình thức: Đề bài yêu cầu viết đoạn văn 200 chữ, học sinh cần trình bày trong 1 đoạn văn ( không được ngắt xuống dòng ), dung lượng an toàn khoảng 2/3 tờ giấy thi ( khoảng trên dưới 20 dòng viết tay), có thể nhiều hơn 1 vài dòng cũng không bị trừ điểm. Nếu viết quá 1 trang giấy thi sẽ bị trừ 0.25 điểm. Đoạn văn cần diễn dạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. Đoạn văn phải đảm bảo bố cục ba phần: Đặt vấn đề - Giải quyết vấn đề - Kết thúc vấn đề. Đoạn văn sử dụng các thao tác lập luận: Giải thích – Phân tích – Chứng minh – Bình luận – Bác bỏ - Bình luận mở rộng. Diễn đạt phải trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
* Các bước viết đoạn:
(1) Tìm ý cho đoạn văn:
- Xác định sẽ viết những nội dung cụ thể gì (ý chính)?
- Ghi ra giấy nháp những ý chính của đoạn văn (theo hệ thống các thao tác lập luận).
- Việc tìm ý cho đoạn văn sẽ giúp ta hình dung được những ý chính cần viết, tránh tình trạng viết lan man dài dòng, không trọng tâm.
(2) Viết đoạn văn hoàn chỉnh:
- Sau khi tìm được những ý chính cho đoạn văn, chúng ta tiến hành viết câu mở đầu.
+ Câu mở đầu có nhiệm vụ dẫn dắt vấn đề.
+ Đối với đoạn văn trong đề đọc hiểu, nên dẫn dắt từ nội dung/ câu nói của văn bản được trích dẫn.
- Đoạn văn có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cách đơn giản nhất là trình bày theo kiểu diễn dịch:
+ Tức là câu chủ đề nằm ở đầu đoạn (thường là lời bày tỏ ý kiến đánh giá, nhận xét câu nói/ vấn đề).
+ Các câu sau triển khai ý, làm rõ ý của câu mở đầu (ý kiến đánh giá, nhận xét câu nói/ vấn đề).
- Viết các câu nối tiếp câu mở đầu :
+ Dựa vào các ý chính vừa ghi trên giấy nháp, chúng ta tiến hành viết đoạn văn.
+ Các câu nối tiếp lần lượt sử dụng các thao tác lập luận: Giải thích – Phân tích – Chứng minh – Bình luận – Bác bỏ - Bình luận mở rộng.
+ Lưu ý cách diễn đạt và lỗi chính tả.
- Viết câu kết của đoạn văn :
+ Câu kết của đoạn có nhiệm vụ kết thúc vấn đề.
+ Dù đoạn văn dài hay ngắn thì câu kết cũng giữ vai trò quan trọng, để lại ấn tượng cho người đọc.
+ Câu kết có thể nêu cảm xúc cá nhân, mở rộng vấn đề (nêu bài học chung), hoặc tóm lược vấn đề vừa trình bày
* Lưu ý:
+ Cần trình bày quan điểm cá nhân nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
+ Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…) .
* Tóm lại:
- Để tìm được ý cho đoạn văn, cần xem xét vấn đề ở nhiều góc độ. Cách đơn giản nhất là thử đặt ra và trả lời các câu hỏi:
+ Nó (vấn đề) là gì? Nó (câu nói) như thế nào?
+ Tại sao lại như thế?
+ Điều đó đúng hay sai, hay vừa đúng vừa sai?
+ Nó được thể hiện như thế nào (trong văn học, trong cuộc sống)?
+ Điều đó có ý nghĩa gì đối với cuộc sống, với con người, bản thân…?
+ Cần phải làm gì để thực thi/hạn chế vấn đề/câu nói?
- Từ việc đặt ra và trả lời các câu hỏi trên, có thể hình dung một đoạn văn nghị luận cần được triển khai theo ba bước:
+ Thứ nhất: Giải thích.
. Trước tiên, cần giải thích nghĩa cụ thể của các một số từ ngữ, khái niệm còn ẩn ý hoặc chưa rõ nghĩa.
. Sau đó giải thích ý nghĩa cả câu nói.
+ Thứ hai: Phân tích và chứng minh.
. Lí giải vấn đề, làm sáng tỏ vấn đề.
. Dẫn ra các ví dụ về những con người và sự việc cụ thể trong đời sống, xã hội, lịch sử…
+ Thứ ba: Bình luận, đánh giá, mở rộng.
. Khẳng định lại chân lí (bình luận, đánh giá).
. Mở rộng và nâng cao vấn đề: Phê phán những hiện tượng đi ngược lại chân lí; Liên hệ bản thân để rút ra bài học.
* Cần nhớ:
- Trong đoạn văn nghị luận xã hội, bên cạnh việc cắt nghĩa, lí giải, đánh giá vấn đề là điều cần thiết thì khâu chứng minh cũng rất quan trọng. Để đoạn văn nghị luận xã hội hấp dẫn, sinh động, cần có hệ thống dẫn chứng thích hợp. Yêu cầu dẫn chứng:
+ Đó phải là những dẫn chứng lấy ra từ đời sống thực tế, càng xác thực, càng cụ thể càng có sức thuyết phục cao.
+ Hạn chế lấy dẫn chứng từ tác phẩm văn học.
+ Khi đưa dẫn chứng vào, không kể lan man mà nên thuật lại một cách ngắn gọn, nhấn mạnh vào khía cạnh ứng dụng của dẫn chứng đối với vấn đề đang chứng minh. Đưa dẫn chứng phải kèm theo thái độ, quan điểm đánh giá rõ ràng.
- Khi liên hệ thực tế để rút ra bài học: cần bày tỏ thái độ chân thành, nghiêm túc, tránh cách nói sáo mòn, gượng ép, giả tạo, “công thức”.
2. Hai loại đoạn văn thường gặp
Dạng 1: Bàn luận về một tư tưởng, đạo lí:
- Mở đoạn: (khoảng 2 dòng)
+ Dẫn dắt vào vấn đề
+ Trích dẫn câu nói.
+ Thân đoạn: Giải – Nguyên – Minh – Luận – Dụng
- Bước 1: Giải thích ý nghĩa câu nói/ vấn đề.
Yêu cầu:
+ Chỉ giải thích những từ ngữ, hình ảnh còn ẩn ý hoặc chưa rõ nghĩa.
+ Phải đi từ yếu tố nhỏ đến yếu tố lớn: giải thích từ ngữ, hình ảnh ẩn ý trước rồi mới khái quát ý nghĩa của cả câu nói.
+ Nên dựa vào phần Đọc hiểu để giải thích ý nghĩa, tránh suy diễn tùy tiện.
- Bước 2: Bình luận, nêu quan điểm của cá nhân (thấy đúng, sai hay cả đúng cả sai). Lý giải quan điểm đó (Vì sao đúng? Vì sao sai?)
Yêu cầu:
+ Phân tách các vế của câu nói để xem xét cặn kẽ, thấu đáo.
+ Khi bàn luận, cần có căn cứ khách quan.
- Bước 3: Minh chứng bằng các dẫn chứng, ví dụ cụ thể (Biểu hiện như thế nào?)
Yêu cầu:
+ Dẫn chứng phải tiêu biểu, hợp lí, phục vụ cho việc bàn luận.
+ Nên kết hợp dẫn chứng lịch sử - hiện tại, trong nước – ngoài nước, người nổi tiếng – người bình thường… sao cho phong phú và có sức thuyết phục.
+ Có 4 cách nêu dẫn chứng:
. Cách 1: nêu số liệu (Ví dụ: số liệu về người mắc ung thư do thực phẩm bẩn).
. Cách 2: nêu hiện tượng hiển nhiên, không thể chối cãi (Ví dụ: thủng tầng ô-zôn khiến bầu khí quyển bị ảnh hưởng)
. Cách 3: nêu tấm gương điển hình, nổi tiếng (Ví dụ: Walt Disney, Bill Gate…)
. Cách 4: nêu lời nói của một người nổi tiếng (Ví dụ: Nhà văn Mark Twain từng nói: “Không có gì buồn hơn tiếng thở dài của người còn trẻ mà đã bi quan).
- Bước 4: Luận bàn mở rộng vấn đề: Phê phán điểm hạn chế, phân tích mặt tích cực.
- Bước 5: Áp dụng tư tưởng đạo lí vào trong thực tế: Nêu bài học nhận thức và hành động (Cần phải làm gì?)
Yêu cầu:
+ Bài học phải được rút ra từ chính tư tưởng, đạo lí mà đề bài yêu cầu bàn luận.
+ Bài học cần chân thành, giản dị, hướng tới tuổi trẻ, không sáo rỗng, hình thức.
+ Nên rút ra hai bài học, một bài học về nhận thức, một bài học về hành động.
- Kết đoạn:
Đưa ra một thông điệp hay một lời khuyên cho mọi người.
Dạng 2: Bàn luận về một hiện tượng đời sống:
- Mở đoạn:
+ Dẫn dắt vào hiện tượng.
+ Nêu thái độ đánh giá về hiện tượng.
- Thân đoạn: Thực – Nguyên – Thái – Biện – Liên.
+ Bước 1: Nêu rõ thực trạng, các biểu hiện cụ thể của hiện tượng trong đời sống (Nó như thế nào?)
+ Bước 2: Nêu nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên (Nguyên nhân khách quan và chủ quan; Nguyên nhân sâu xa và trực tiếp).
+ Bước 3: Nêu thái độ đánh giá, nhận định về mặt đúng – sai, lợi – hại, kết quả - hậu quả, biểu dương – phê phán.
+ Bước 4: Biện pháp khắc phục hậu quả hoặc phát huy kết quả. (Cần phải làm gì?)
+ Bước 5: Liên hệ bản thân, rút ra bài học nhận thức và hành động cho mình.
- Kết đoạn:
Đưa ra thông điệp hay lời khuyên cho tất cả mọi người.
*******************************************************
Cấu trúc đoạn 200 chữ theo yêu cầu đề thi:
- Câu mở đoạn: Giới thiệu vấn đề (khoảng 2 – 4 dòng).
- Các câu phát triển đoạn: (12 – 16 dòng).
Vận dụng các thao tác:
+ Giải thích (Câu nói nêu lên vấn đề gì?)
+ Lí giải (Vì sao lại nói như thế?)
+ Dẫn chứng (Họ đã làm thế nào?)
+ Bình luận (Vấn đề đúng hay sai hay vừa đúng vừa sai?)
+ Bác bỏ (Hiện tượng trái ngược cần phê phán là gì?)
- Câu kết đoạn: Rút ra bài học. (Bản thân và mọi người cần phải làm gì?) (2 – 4 dòng)
(Nguồn: Sưu tầm)