8 dạng câu hỏi chắc chắn phải nhớ vì hay xuất hiện trong phần ĐỌC HIỂU Tiếng Anh thi THPT quốc gia


Trong đề thi Tiếng Anh chắc chắn có phần đọc hiểu, thường là cho khoảng 3 đoạn văn và yêu cầu thí sinh trả lời. Phần này khá dài, nhiều từ mới khiến các thí sinh e dè. Tuyển sinh số xin gửi tới các thí sinh 8 dạng câu hỏi rất hay xuất hiện trong phần đọc hiểu để tham khảo dưới đây.

1/ Câu hỏi về ý chính (Main idea) 

Các câu hỏi thường gặp có thể là: 

- What is the topic of this passage? (Chủ đề của bài viết là gì?) (hoặc ý chính của 1 đoạn cụ thể như đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn 3...)

- What is the main idea expressed in this passage?  (Ý chính được thể hiện trong bài là gì?)

- Which title best reflects the main idea of the passage?  (Nhan đề phù hợp nhất cho ý chính của bài là gì?)

=> Với phần này, thí sinh nên chú ý tới tiêu đề của bài (nếu có), đọc lướt toàn bài để tìm ý chính. Câu trả lời thường nằm ở đầu hoặc cuối bài. CHÚ Ý: Chủ đề của cả bài văn sẽ bao quát hết nội dung mà không phải chỉ là ý chính của đoạn 1 hoặc đoạn 2 thôi. 

2/ Câu hỏi từ vựng (Vocabulary Questions)

Những câu hỏi từ vựng có thể là: 

- It/ They , Them, Those… in line ” – ” refers to ” – “ (Từ It/ They, Them, Those… ở dòng số… để ám chỉ điều gì…)

=> Với dạng này, chỉ cần nhìn vào câu ngay trước từ in đậm là có thể giải quyết được.

The expression...in line... could best replaced by… / The word... in line ... is closest/opposite meaning to… (Từ / cụm từ... ở dòng số... có thể được thay thế bởi từ nào?)

=> Với dạng này, bạn cần đọc cả câu để hiểu nghĩa chính xác của từ đó. Với một từ mới mà bạn không biết nghĩa thì có thể thử ghép cả 4 phương án vào trong câu để tìm câu trả lời.

3/ Câu hỏi lấy thông tin (Factual Questions) 

Những câu hỏi lấy thông tin có thể là: 

- According to the passage, why/ what/ how…?  (Theo như đoạn viết, tại sao? Cái gì? Thế nào?...)

- According to the information in paragraph 1, what…? (Theo như thông tin trong đoạn 1, cái gì…?)

=> Với dạng này, kỹ năng tìm từ khóa hết sức quan trọng. Từ khóa này thường là các động từ chính, danh từ chính, tính từ chính, từ chỉ thời gian, nơi chốn... Bạn xác định được từ khóa trong câu hỏi và tìm rất bài viết là có thể ra được đáp án đúng.

4/ Câu hỏi suy diễn (Inference Questions) 

Những câu hỏi suy diễn có thể là: 

- It is probable that.... (Có thể là…)

- It can be inferred from the passage that… (Có thể được suy ra từ đoạn là…)

- In the paragraph 2, the author implies/ suggests that… (Trong đoạn 2, tác giả ngầm ám chỉ/ gợi ý rằng…)

=> Dạng câu hỏi này yêu cầu sự đọc hiểu cùng tư duy logic của thí sinh vì thế nên khó và đáp án đúng có thể không xuất hiện trong đề. Bạn cần đọc và nắm chắc nội dung bài để tìm được đáp án chính xác.

5/ Câu hỏi phủ định/ đối lập

Những câu hỏi phủ định/đối lập có thể là:

- EXCEPT… ( ngoại trừ), NOT mention…. (không được nhắc đến), LEAST likely… (ít có khả năng xảy ra…)

=> Bạn cần chú ý câu hỏi để tránh nhầm lẫn lại chọn đáp án tương đồng thay vì đối lập/phủ định như câu hỏi. Thông tin nào không được nhắc đến trong bài hoặc thông tin sai sẽ là câu trả lời được chọn.

6/ Câu hỏi thái độ của tác giả (Questions on authors attitude)

Những câu hỏi thái độ thường là: 

- What is the authors opinion / attitude of ____?  (Ý kiến/ thái độ của tác giả thể hiện trong bài là gì?)

- Which of the following most accurately reflects the authors opinion of ____? (Điều nào dưới đây phản ánh chính xác nhất ý kiến/ thái độ của tác giả?) 

=> Thái độ thì có thể là trung lập, khen ngợi, ủng hộ, nghi ngờ... Thí sinh dựa vào những câu thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả để trả lời. 

7/ Câu hỏi mục đích của tác giả (Questions on author’s purpose) 

Những câu hỏi mục đích có thể là: 

- Why does the author mention ____ ? (Tại sao tác giả đề cập đến…?)

- The authors main purpose in paragraph 2 is to… (Mục đích chính của tác giả trong đoạn 2 là để…)

=> Dạng này tương đối khó cần sự suy luận của thí sinh. 

8/ Câu hỏi nguồn gốc của bài viết (The origin of the passage)

Những câu hỏi nguồn gốc bài viết có thể là:

- Where is this passage most likely seen/ found? (Bài viết có thể được nhìn thấy/ tìm thấy ở đâu?)

=> Thí sinh đọc bài và suy luận. Nguồn gốc bài viết có thể là ở tạp chí khoa học, tạp chí thời trang, mẩu quảng cáo trên báo, ấn phẩm tạp chí về y học, ôtô...

(Nguồn: https://tuyensinhso.vn/ban-tin-truoc-ky-thi/8-dang-cau-hoi-tieng-anh-chac-chan-phai-nho-vi-hay-xuat-hien-trong-phan-doc-hieu-c26741.html)

Bài viết khác