5 cách ghi nhớ cụm động từ tiếng Anh


Học cụm động từ theo nhóm từ gốc sẽ khiến bạn mau chán, không hiệu quả bằng việc học nhóm từ phụ trợ, nhóm theo chủ đề hoặc đặt trong bối cảnh.

 

1. Không nhóm theo động từ

Phương pháp phổ biến nhất trong sách giáo trình, khóa học tiếng Anh là cụm động từ được chia vào các nhóm chung động từ. Ví dụ nhóm cụm động từ bắt đầu bằng "get" có: get in (đến nơi), get out (ra ngoài), get by (được chấp nhận), get up (thức dậy)...

Nếu đang học cụm động từ theo phương pháp này, bạn sẽ mau chán vì không tìm thấy điểm chung. Bạn chỉ đang cố gắng học thuộc. Những cụm động từ trông có vẻ giống nhau vì cùng bắt đầu bằng một động từ nhưng có nghĩa khác nhau.

2. Nhóm theo từ phụ trợ

Một cụm động từ gồm động từ (verb) và từ phụ trợ (particle), có thể là giới từ (preposition), trạng từ (adverb). Thay vì nhóm cụm động từ theo động từ đứng đầu, bạn hãy nhóm chúng theo từ phụ trợ. Các từ phụ trợ thường biểu thị một số nghĩa chính, có thể suy luận khi đi kèm động từ.

Chẳng hạn, giới từ "out" có nghĩa là hoàn toàn hết. Người bản ngữ dùng giới từ này khi không còn gì nữa. Ví dụ: "They’re out of bread" (Họ đã hết bánh mì).

Ngoài ra, "out" còn mang nghĩa điều gì đó dừng lại, kết thúc hoặc biến mất. Như vậy, cụm động từ đi kèm "out" có thể mang những lớp nghĩa này:

- If you don’t add wood, the fire will go out. (Nếu bạn không thêm gỗ, ngọn lửa sẽ tắt).

- There was a storm last night, and the power went out in the whole city. (Có một cơn bão tối qua và điện bị ngắt toàn thành phố).

Khi học cụm động từ theo từ phụ trợ, bạn có thể liên kết các từ cần học theo một trường từ vựng cụ thể. Từ đó bạn có thể hiểu và ghi nhớ nhanh hơn. Trong trường hợp không biết nghĩa của cụm động từ nhưng nắm rõ nghĩa của từ phụ trợ, bạn có thể đoán nghĩa của cụm động từ mà không cần dùng từ điển.

3. Nhóm theo chủ đề

Một cách phân chia cụm động từ khác là nhóm theo chủ đề. Ví dụ, cụm động từ biểu đạt cảm xúc, miêu tả bạn bè, tình yêu, các mối quan hệ. Cách phân chia này giúp người học liên kết các cụm động từ với nhau, từ đó hiểu rõ và sâu về chúng. Sắp xếp theo chủ đề còn biến cụm động từ trở nên sinh động, thú vị để học chứ không chỉ dừng ở việc ghi nhớ.

Ngoài ra, khi học theo chủ đề, bạn có thể đưa các cụm động từ vào giao tiếp thông thường nhanh chóng. Chẳng hạn, khi muốn kể về người bạn thân nhất, bạn đã có những cụm động từ về đề tài này để tăng khả năng dùng từ và diễn đạt tự nhiên như người bản xứ.

4. Đặt trong bối cảnh

Một cụm động từ có thể mang nhiều nghĩa. Để hiểu hết nghĩa của chúng, bạn nên đặt từ cần học trong bối cảnh cụ thể bằng cách xem video trên YouTube, nghe nhạc, đọc sách.

Ví dụ, khi đang xem chương trình truyền hình yêu thích bằng tiếng Anh bạn hãy cài đặt phụ đề tiếng Anh, viết các cụm động từ bạn tìm thấy trong phụ đề rồi tra cứu nghĩa trong từ điển. Cụm từ này có thể có rất nhiều nghĩa nên hãy quay lại video tiếng Anh để tìm nghĩa phù hợp nhất. Hãy chú ý đến bối cảnh sử dụng cụm động từ này để hiểu rõ nghĩa của chúng. Sau đó, đọc thêm một số câu ví dụ trong từ điển, thực hành tự đặt câu và ghi chép lại để kiểm tra thường xuyên.

5. Kể chuyện

Cách học tiếng Anh hiệu quả nhất là thực hành. Điều này đúng với cả việc học cụm động từ. Dù học một hay nhiều cụm động từ, bạn nên kể một câu chuyện để hiểu rõ hơn về chúng. Với một cụm động từ, bạn chỉ đặt một câu có thể sẽ chưa hiểu hết bối cảnh sử dụng cụm động từ này và đặt câu sai.

Nếu muốn trau dồi kỹ năng viết, bạn có thể viết một câu chuyện dài ra giấy hoặc một đoạn văn ngắn nếu muốn cải thiện kỹ năng nói. Câu chuyện này có thể lấy cảm hứng từ chủ đề yêu thích, cuộc sống thường nhật của bạn.

Ví dụ: "Yesterday, I ran into Mathilde, an old friend from high school. I heard from Michael she’s still single. Maybe I should try to fix her up with my brother".

(Hôm qua, tôi tình cờ gặp Mathilde, người bạn cũ từ cấp 3. Tôi nghe từ Michael cô ấy vẫn độc thân. Có lẽ tôi nên thử làm mối cô ấy cho anh trai tôi".

Theo VnExpress


Bài viết khác