"Chữ người tử tù" - Những lời bình hay


(1) Viết về dĩ vãng xa xăm, Nguyễn Tuân thường tạo cho câu văn có nhịp điệu đĩnh đạc, thong thả, từ tốn; đọc vội cứ tưởng rề rà, diễn đạt quá ư cầu kì. Nhưng nghiền ngẫm cho kĩ mới thấy nhịp điệu cũng như kết cấu câu văn của Nguyễn Tuân đã có hiệu quả không nhỏ góp phần gợi không khí cho truyện, và tạo một nhạc điệu hài hòa, “phục chế” lại nhịp sống chậm rãi, đầy nghi lễ, với tôn ti trật tự của một thời ngưng đọng đã qua.” (Hà Bình Trị).
(2) “Chữ người tử tù kết thúc bằng một bức tranh ầy ấn tượng. Người ta thường đặt cho Nguyễn Tuân danh hiệu: “Người đi tìm cái đẹp”. Nhưng thế nào là đẹp? Đối với Nguyễn Tuân, cái đẹp phải là những gì đập mạnh vào giác quan nghệ sĩ. Bức tranh kết thúc Chữ người tử tù quả là đã gây được ấn tượng mạnh mẽ đúng như yêu cầu thẩm mỹ của Nguyễn Tuân. Thủ pháp đối lập được nhà văn khai thác triệt để đã tạo ra ấn tượng đó: Đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, đối lập giữa cái đẹp và sự nhơ bẩn, đối lập giữa thiên lương và tội ác.” (Nguyễn Đăng Mạnh).
(3) “Đoạn văn chứa đầy mơ ước thiết tha của Nguyễn Tuân sở dĩ gọi thức tâm linh người đọc, cũng bởi cả ba nhân vật, tuy ở các vị trí xã hội xa cách nhau nhưng lại có khả năng bổ sung phẩm tính cho nhau ấy, đều là những mảnh hồn của tác giả say đắm hóa thân: tam vị nhân vật, nhất thể. Bút pháp đoản thiên tiểu thuyết phong cách điêu khắc của Nguyễn dựng nên nhóm tượng đài Thiên lương – Tam vị nhất thể sáng láng này dường như muốn tạo tác một biểu hiện làm đối chứng với cái hiện thực xã hội thực dân nửa phong kiến tồi tệ hiện hữu trước mắt tác giả.” (Văn Tâm).
(4) “Họ đang sống theo tiếng gọi của Cái Đẹp. Họ đang đem những gì đẹp đẽ nhất cao cả, cao quí nhất để dành cho nhau. Họ không sống theo vị thế và chức phận mà thể chế kia định đoạt. Không còn ngục quan. Không còn tội phạm. Chỉ còn những người bạn những tri kỉ tri âm đang qui tụ quây quần xung quanh cái đẹp của tình người và nghệ thuật. Cái đẹp đã phế bỏ cái trật tự mà xã hội sắp đặt ở chốn nhà tù để thiết lập một trật tự khác. Trật tự phận vị đã được thay thế bằng trật tự nhân văn. Cảnh cho chữ thực là cảnh tượng đăng quang của Cái Đẹp. Có thể nói đó là cuộc nổi loạn của Cái Đẹp trong thế giới nhà tù. Thì ra không chỉ có quyền lực của Cái Chết, quyền lực của Cái Gông mà còn có quyền lực của Cái Đẹp. Cái đẹp vẫn có uy quyền riêng của nó. Gọi Cái Đẹp Nguyễn Tuân là Cái Đẹp Nổi Loạn chính là như thế.” (Chu Văn Sơn).

 


Bài viết khác