Tết cổ truyền Việt Nam trong mắt lưu học sinh Lào tại Trường Đại học Khoa học - ĐH Thái Nguyên


Mỗi một quốc gia trên thế giới đều có những nét văn hóa riêng. Việt Nam cũng là một quốc gia có bề dày lịch sử và có nhiều nét đẹp văn hóa vô cùng độc đáo. Một trong những điều ấn tượng nhất với em trong thời gian học đại học tại Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên đó là được trải nghiệm Tết cổ truyền hay còn gọi là Tết Nguyên Đán.

           Trong không khí Tết Nguyên Đán 2023 Qúy Mão đang đến gần, cảm nhận của em về Tết của người Việt bắt đầu từ những quan sát bằng mắt, nhưng lại được viết ra bằng trái tim. Là một người con của nước CHDCND Lào đang học tập, sinh sống tại Việt Nam và cũng là năm cuối cùng em được đón tết tại Việt Nam, trong những ngày tháng này chúng em đã và đang cảm nhận một cái Tết đầy ấm áp và tình thương đến từ các thầy cô giáo của Trường Đại học Khoa học - ĐHTN nói chung và Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa nói riêng.

           Tết cổ truyền từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa Việt. Đây là dịp lễ lớn nhất của Việt Nam, là thời khắc quan trọng của một năm, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Vì vậy, khi được ăn Tết Nguyên Đán của người Việt, em cảm thấy rất thiêng liêng và háo hức.

          

Tết Nguyên Đán bắt nguồn từ nền văn minh lúa nước Đông Á, do tập quán canh tác bắt đầu vào những ngày đầu năm, tức là tiết đầu tiên trong 24 tiết khí trong năm thường gọi là tiết Nguyên Đán. Tết bắt đầu vào ngày mùng 1 tháng 1 âm lịch của năm mới. Thông thường ở Việt Nam, mỗi dịp chuẩn bị đến Tết Nguyên Đán thì mọi người dù làm việc hay đi học đều có lịch nghỉ lễ để trở về xum vầy bên gia đình. Mỗi dịp Tết Nguyên Đán, nhà nhà đều có rất nhiều hoạt động truyền thống để mong một cái Tết đủ đầy và đầm ấm. Các công việc đều được thực hiện một cách cẩn thận và chu toàn nhất để những ước mong cho một năm mới an khanh, thịnh vượng, tốt lành trở thành hiện thực.

           Trước hết, đó là thời điểm 23 tháng Chạp với tục cúng ông Công - ông Táo. Khi ấy, mọi người sẽ dọn dẹp bếp của nhà mình và mua cá chép vàng đem thả để tiễn ông Công ông Táo về trời, báo cáo tổng kết những gì đã làm được trong năm cũ và đón chờ những kế hoạch mới, niềm vui mới cho năm sau. Bên cạnh đó còn có hoạt động gói bánh chưng, bánh tét. Dù khó khăn đến mấy, vào ngày 28 - 30 tháng Chạp, nhà nào cũng cố gắng có nồi bánh chưng để có không khí Tết. Trên bàn thờ tổ tiên, các gia đình thường chuẩn bị một mâm ngũ quả được bày biện đẹp mắt, đầy đủ những thứ quả có ý nghĩa văn hóa nhằm gửi gắm những ước mơ và hi vọng tốt đẹp cho năm mới. Thêm vào đó là mâm cơm cúng tất niên, như là một bữa cơm chào tạm biệt một năm cũ.

           Theo quan niệm của người Việt Nam, năm mới là mọi thứ phải mới mẻ, tươi sáng vì vậy trước Tết sẽ có tục lau dọn nhà cửa cho sạch sẽ để đón năm mới được bình an, may mắn hơn. Thời khắc giao thừa thì cúng giao thừa. Mọi nhà sẽ bày một chiếc bàn nhỏ ra ngoài cửa hoặc ngoài sân với lọ hoa, đĩa quả và nén hương để cầu nguyện những ước muốn trong năm mới.

           Thời điểm tân niên còn có nhiều phong tục đặc biệt như xông đất, chúc tết, mừng tuổi, lễ chùa đầu năm. Người xông đất thường là người nhanh nhẹn, xởi lởi để mong mang đến sự an yên, vui vẻ cho gia chủ. Những lời chúc Tết thường là chúc nhau sức khỏe, tài lộc, bình an và hạnh phúc. Những tờ tiền mới đựng trong bao lì xì đỏ để mừng tuổi cho con cháu, thêm một tuổi mới chăm ngoan học giỏi. Phong tục treo những câu đối đỏ trong nhà tượng trưng cho mong ước may mắn, phúc lộc và an khang…Dịp Tết cổ truyền là những ngày có ý nghĩa tâm linh, cũng là thời gian gia đình đoàn tụ, sum vầy, giúp cho con người ta xích lại gần nhau hơn, thêm yêu thương và gắn bó. Điều đó đã trở thành một nét văn hoá đẹp trong tâm thức của người Việt.

           Em cảm thấy rất may mắn khi được đến Việt Nam học tập. Trong năm 5 qua em đã biết thêm nhiều nét văn hóa và vẻ đẹp con người Việt Nam. Đặc biệt là khi đặt chân đến mảnh đất Thái Nguyên, được học tập tại Khoa Ngôn Ngữ & Văn hóa - Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên, em được gặp các thầy cô và các bạn sinh viên là người Việt Nam và nhận được sự quan tâm ấm áp đầy tình thương trong những dịp Tết Nguyên Đán. Tết cổ truyền của Việt Nam cũng giống như Tết Bunpimay của nước Lào, là cái Tết mang ý nghĩa lớn đối với tất cả mọi người, là dịp để mọi người sum họp, và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Và trong không khí những ngày xuân Quí Mão 2023 đang đến gần, dường như các thầy cô, bạn bè ở Việt Nam đều coi chúng em như là “người nhà”. Chúng em được trải nghiệm rất nhiều hoạt động đón xuân ý nghĩa. Điều đó khiến chúng em rất xúc động và thấy gắn bó, yêu quý hơn đất nước và con người Việt Nam.                                                      

 

 Khamvanh VANG - Văn học K17


Bài viết khác