Stress trong thi cử - Cách nào giúp sĩ tử mùa thi?


Stress trong thi cử - Cách nào giúp sĩ tử mùa thi?

Cứ mỗi mùa thi đến, tỉ lệ học sinh, sinh viên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa tâm thần tăng lên nhiều và phần lớn có liên quan đến căng thẳng, stress do áp lực thi cử.

Một nghiên cứu cho thấy khoảng 26,1% học sinh lớp 11, 12 có căng thẳng, trong đó, 10 stress gặp nhiều nhất đều liên quan đến việc học tập như chương trình học khó, thi cử, quá nhiều thứ phải học, quá nhiều bài tập... Đặc biệt là vấn đề thi cử được rất nhiều các bậc phụ huynh, giáo viên quan tâm.

Cùng lắng nghe tư vấn dưới đây từ nhóm chuyên gia Bộ môn Tâm thần - Trường ĐH Y Hà Nội; Viện Sức khoẻ Tâm thần - BV Bạch Mai; Khoa Sức khoẻ Tâm thần - BV Lão khoa TW

1. PGS.TS.BS. Nguyễn Văn Tuấn 2. ThS.BS. Bùi Văn San 3. ThS.BS. Nguyễn Hoàng Yến 4. ThS.BS. Trần Thị Thu Hà 5. ThS.BS Phạm Xuân Thắng.

Giai đoạn "bão táp và căng thẳng”

Giai đoạn học sinh trung học phổ thông, ngoài đối mặt với sự thay đổi rất lớn về tâm lý, sinh lý, thể chất của tuổi dậy thì, thì đây cũng là giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của mỗi con người. Với mỗi cá nhân, đây là giai đoạn cần xác định những kế hoạch trong tương lai, với những định hướng như học tiếp đại học với ngành nghề thích hợp, chuyển sang học nghề hay sẽ bắt đầu lao động. Với xã hội và gia đình, việc xây dựng một thế hệ trẻ là việc quan trọng trong việc phát triển xã hội và kinh tế. Sự phát triển của thời đại 4.0 đòi hỏi những người trẻ năng động, nhạy bén, có khả năng chịu áp lực và sự thay đổi nhanh chóng của xã hội.

Trường học là nơi học sinh có nhiều mối quan hệ quan trọng như mối quan hệ với thầy cô giáo, với bạn bè cùng tuổi. Trong quá trình học tập, học sinh đạt được thành tựu sẽ được thầy cô, gia đình, bạn bè ghi nhận, ủng hộ, động viên. Ngược lại, nguy cơ đối mặt với thất bại, đau khổ, cô đơn cũng không phải không có.

Với khoảng 26,1% học sinh lớp 11, 12 đối mặt với căng thẳng, trong 10 vấn đề gặp nhiều nhất đều liên quan đến việc học tập như chương trình học khó, thi cử, quá nhiều thứ phải học, quá nhiều bài tập… thì thi cử đứng thứ 2. Sự căng thẳng trong thi cử thường đến từ ngoại cảnh như sự kỳ vọng của thầy cô, cha mẹ; sự tự kỳ vọng và áp lực đạt mục tiêu từ chính bản thân học sinh.

Những sai lầm thường gặp

Càng gần đến giai đoạn “nước rút” , sĩ tử đi học thêm càng nhiều. Việc chạy sô giữa nhiều ca học khác nhau, thậm chí đi học thêm cả ngày hoàn toàn không khoa học, không đạt được hiệu quả mà đôi khi còn đem kết quả ngược lại. Cơ thể, đặc biệt là các tế bào thần kinh ở não cần được nghỉ ngơi, hồi phục sau một quá trình học tập. Việc vắt kiệt sức lực, cố gắng nhồi nhét kiến thức khiến bộ não làm việc căng thẳng quá mức, không tiếp thu được sẽ càng làm học sinh thêm lo lắng, hoảng sợ.

Ngoài ra, lạm dụng chất kích thích như trà, cà phê, chất kích thích tâm thần cũng là sai lầm mà cả phụ huynh và học sinh đều hay mắc phải. Các chất kích thích trên chỉ có thể giúp tỉnh táo và làm việc ngay lúc đó, nhưng sẽ gây ra mệt mỏi, suy kiệt về sau. Đó là chưa kể việc dùng những chất kích thích tâm thần dạng amphetamine để làm hưng phấn thần kinh có thể gây ra các chứng loạn thần, mất ngủ, sau đó là trầm cảm, lo âu...

Đối phó với stress thế nào cho đúng?

Đứng trước các áp lực mùa thi, mỗi học sinh sẽ có cách đối phó khác nhau. Nếu áp lực vừa đủ và cơ chế đối phó thích hợp thì stress đó trở thành động lực giúp cho học sinh hoàn thành tốt. Ngược lại, nếu áp lực quá mức, quá nhiều áp lực một lúc và cơ chế đối phó không hiệu quả có thể gây cho học sinh sự lo lắng quá mức, chán nản, mệt mỏi, bỏ cuộc…

Có nhiều chiến lược đối phó khác nhau khi đối mặt với stress và nó có vai trò quan trọng trong việc giảm bớt căng thẳng và tác động của stress lên cá nhân.

Có thể chia thành đối phó tiếp cận giải quyết vấn đề và tiếp cận kiểu né tránh. Việc lựa chọn cách đối phó phụ thuộc vào loại stress, mức độ stress và trải nghiệm cách đối phó với stress tương tự trước đó. Có thể với cùng một stress có nhiều chiến lược đối phó khác nhau. Ở nữ giới có xu hướng sử dụng nhiều chiến lược đối phó khi có stress hơn nam giới.

Chiến lược tiếp cận giải quyết vấn đề bao gồm: đối phó tích cực; nỗ lực hết sức để giải quyết vấn đề , cố gắng làm cho tình huống tốt hơn; tìm sự hỗ trợ cảm xúc như chia sẻ, an ủi, động viên, thấu hiểu từ người khác; nhận lời khuyên, sự giúp đỡ của người khác về các việc cần làm; nhìn nhận stress theo hướng khác tích cực hơn; lên kế hoạch và từng bước cần làm khi đứng trước stress; hoặc chấp nhận nó đã xảy ra và học cách sống chung với nó.

Chiến lược đối phó tiếp cận kiểu né tránh bao gồm: tự phân tâm, đi làm việc khác như xem phim, đọc sách, mua sắm, đi ngủ; từ chối, tự nhủ rằng điều đó không có thật; sử dụng chất như rượu, chất kích thích; từ bỏ; trút giận bằng cách nói ra để cảm xúc khó chịu được giải phóng; tự đổ lỗi cho bản thân, chỉ trích bản thân về những gì đã xảy ra.

Trong một nghiên cứu nữ giới ở lứa tuổi 15 -19 khi có stress thì khoảng 25% khóc lóc; 19% nghe nhạc; 15% bắt đầu ăn quá nhiều; 12% ngồi một mình/cô lập bản thân; 10% tranh luận, cãi vã.

Một nghiên cứu khác 200 thanh thiếu niên thấy rằng 33- 57% đối phó tích cực; 31-50% đối phó né tránh.

Zalo
Phụ huynh cần tạo không khí thoải mái, đồng hành cùng con trong mùa thi.

Tuy nhiên, chiến lược đối phó né tránh có thể mang đến sự thất bại trong đối phó với stress và có thể có các hậu quả nghiêm trọng khác. Như việc sử dụng chất kích thích để giảm cảm xúc tiêu cực khi stress có thể dẫn đến những nguy cơ, hậu quả của việc sử dụng chất đó. Hoặc việc mất cân bằng trong mức độ stress, chiến lược đối phó không hiệu qủa có thế liên quan đến các rối loạn tâm thần và cơ thể về sau.

Học tập là một quá trình chạy đua đường dài, cần phải dai sức và có kế hoạch chuẩn bị thật chu đáo, hợp lý. Và khi học tập, làm việc trong tâm trạng thoải mái, cơ thể khoẻ mạnh, sẽ đạt hiệu quả cao và tốn ít sức lực. Để giúp các sĩ tử vượt vũ môn một cách thành công và không gặp các rối loạn tâm lý trong và sau khi thi, các thầy cô giáo và các bậc cha mẹ cần tạo môi trường tâm lý thoải mái cho các con, cho các con một chương trình học tập, ăn uống, nghỉ ngơi một cách khoa học, tránh gây áp lực quá mức.

Lời khuyên của bác sỹ

Đối với nhà trường và gia đình

- Tạo môi trường gia đình và nhà trường là nơi an toàn, cho học sinh có thể học tập và tạo động lực tin tưởng họ thành công.

- Gia đình và nhà trường cung cấp thông tin đầy đủ, tránh những cơ hội mà học sinh phải đưa ra quyết định quá khó khăn

- Tạo ra niềm tin cho học sinh là giáo viên và cha mẹ đứng về phía họ đưa cho họ nhiều nhiều cơ hội học tập

- Cha mẹ khuyến khích con mình nói các vấn đề của mình và cùng con đối thoại để giải quyết và tôn trọng các quyết định của con tránh đối đầu

- Cha mẹ, giáo viên hoặc các tư vấn tâm lý tại trường có hiểu biết về các lý do tại sao một số trẻ có biểu hiện lo lắng, sợ hãi, buồn chán, từ bỏ

- Trung tâm của các quá trình tư vấn can thiệp là giúp học sinh có tư duy lành mạnh và có các chiến lược đối phó tích cực. Phát triển cách để cải thiện giao tiếp hiệu quả với học sinh từ đó hiểu các căng thẳng trong học tập và tư vấn hỗ trợ họ các cách đối phó với căng thẳng hiệu quả hơn

Đối với học sinh

- Rèn luyện cách suy nghĩ tích cực, cố gắng giải quyết vấn đề

- Học cách đối thoại, trình bày các vấn đề của mình để cùng cha mẹ, nhà trường cùng giải quyết

- Tăng cường các hoạt động khác trong thời gian rảnh rỗi như tập thể thao, nấu ăn, ..

- Thực hiện ăn uống lành mạnh, tránh thức khuya và nên thức dậy sớm

- Rèn luyện các trải nghiệm với các phương thức đối phó tích cực khi giải quyết các stress

Phạm Huyền

( Theo nhóm chuyên gia Bộ môn Tâm thần - Trường ĐH Y Hà Nội; Viện Sức khoẻ Tâm thần - BV Bạch Mai; Khoa Sức khoẻ Tâm thần - BV Lão khoa TW )

 


Bài viết khác